H.Cái Bè:Lịch Sử Chùa Khải Tường

Phật giáo Tiền Giang - 20/11/2023

LỊCH SỬ CHÙA KHẢI TƯỜNG

Chùa Khải Tường ngày nay tọa lạc tại ấp Mỹ Phú, xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang; hiện tại do Đại đức Thích Nhuận Tâm đương nhiệm Trụ trì.

Đây là ngôi chùa có thể coi là “hậu thân” của Quốc Ân Khải Tường Tự thuộc xứ Gia Định – Sài Gòn xưa kia. Chùa Khải Tường được thiền sư Linh Nhạc - Phật Ý và thiền sư Thiệt Thành - Liễu Đạt (tức Hòa Thượng Liên Hoa) xây dựng vào thế kỷ 18 tại thôn Tân Lộc (nay thuộc khu Chợ Đũi, quận 3, TP.Hồ Chí Minh). Nơi đây, năm 1791 Hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm (tức vua Minh Mạng) chào đời, cho nên sau khi lên làm vua Ngài đã sắc phong cho Chùa là “Quốc Ân Khải Tường Tự” vào năm 1821.
Tuy là ngôi chùa ghi dấu nhiều chứng tích hành đạo của chư Tổ sư danh Tăng, Vua Gia Long đã dâng cúng tượng Phật A Di Đà tôn thờ tại chùa và được Vua Minh Mạng hết lòng sùng phụng tu bổ. Thế nhưng khi thực dân Pháp đánh chiếm Gia Định, cũng như nhiều tự viện khác, chùa Khải Tường bị giặc đốt phá gần hết. Bấy giờ (năm 1862) quý Hòa thượng đã đem một số tượng Phật và Bồ tát có kích thước nhỏ về vùng Cái Thia, Mỹ Tho (nay là huyện Cái Bè), Tiền Giang lánh nạn. Tại đây quý ngài cất lại ngôi chùa cũng lấy hiệu là Khải Tường để thờ phụng chư Phật và tiếp tục con đường hóa đạo. Lúc đó có Hòa thượng húy Thanh Đặng thượng Chơn hạ Thành, người quê quán tại Bà Rịa-Vũng Tàu cũng theo về chùa ở Cái Thia và sau đó đảm nhiệm chức vụ trụ trì.

Chùa Khải Tường lúc này cũng được chư Hòa thượng xây dựng nguy nga, Chính điện có ba gian được trang trí liễn đối rất đẹp. Chùa cũng có các hạn mục nhà Tổ, Hậu liêu, Đông lang, Tây lang, nhà khách, … được bố trí cân đối và đẹp mắt.
Khi chùa dời về Cái Thia, vì tượng Phật A Di Đà do vua Gia Long dâng cúng trước đây không còn, chỉ còn một số tượng nhỏ như: Chuẩn Đề, Giám Trai, Thập Điện Diêm Vương, Địa Tạng, Thích Ca Đản Sanh; nên đồng bào Phật tử cùng chư Tăng chùa Khải Tường cho đúc lại tượng Phật A Di Đà bằng đồng nặng hơn 1 tấn, hiện nay pho tượng này chùa vẫn còn đang tôn thờ, người dân địa phương quen gọi là ông Trung Tôn hay Đức Trung Tôn.

Năm 1945, do ảnh hưởng chiến tranh lần 2, chùa Khải Tường nơi chợ Cái Thia bị Pháp chiếm làm căn cứ quân sự. Người dân nơi đây lại một lần nửa phải dời Chùa về ở đậu trên phần đất của Đình Thần Ông Lữ, nay thuộc ấp Mỹ Phú, xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Từ năm 1948 đến năm 1998, trãi qua 50 năm, chùa Khải Tường được quý Hòa thượng Quảng Phước – Thiện Lưu, Quảng Chánh – Phổ Quang trụ trì và điều hành Phật sự, nhưng vì chùa không có đất riêng nên sau khi quý Hòa thượng viên tịch không được lập Bảo tháp tại chùa.

Năm 1998, Đại đức Thích Nhuận Tâm được Ban Đại diện Phật giáo huyện Cái Bè cử về thủ tự chùa Khải Tường, chăm lo ngôi Tam Bảo. Ngày 12 tháng 01 năm 2009, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang đã có Quyết định bổ nhiệm Đại đức Thích Nhuận Tâm, thế danh Lê Ngọc Em, sinh năm 1971 làm Trụ trì chùa Khải Tường cho đến ngày nay.
Cũng trong năm 2009, Đại đức Thích Nhuận Tâm xét thấy hội đủ duyên lành nên đứng ra làm đơn xin các cấp chính quyền và Ban Khánh tiết (Ban Hương lễ) Đình Thần Ông Lữ cho chùa Khải Tường phần đất mà Chùa tọa lạc từ nhiều năm qua.
Năm 2010, được sự đồng ý của Ban Hương lễ và sự chấp thuận của các cấp chính quyền nên chùa Khải Tường được chính thức cấp sổ hồng 1.109m2, từ đó chùa Khải Tường đã tạm ổn định.

Khi đã có quyền sử dụng đất, Đại đức Thích Nhuận Tâm đã tiến hành trùng tu lại ngôi Chánh điện chùa Khải Tường bằng chất liệu bê tông cốt sắt kiên cố như hiện nay. Đại đức Trụ trì cũng bố trí lại các tôn tượng cổ tại chùa thờ cúng trang nghiêm, vừa là để chiêm ngưỡng tu tập, cũng là để ghi niệm một thời vàng son của ngôi Cổ tự trước đây.

Mỗi năm, vào ngày 23-24 tháng 3 âm lịch, Đại đức Trụ trì và đạo tràng Phật tử đều trang nghiêm tổ chức tưởng niệm Hòa thượng húy Thanh Đặng, thượng Chơn hạ Thành cùng hiệp kỵ chư tiền bối Tổ sư, ghi nhớ công lao của chư Tổ đã kiến tạo và gìn giữ ngôi Cổ tự này.
Đại đức Thích Nhuận Tâm xuất gia tu học với Hòa thượng Thích Pháp Tịnh tại chùa Kỳ Viên, sau đó được Hòa thượng cho theo học ngành Y tại Trường Đại học Quân y Quân khu 9. Vì vậy, khi về phụng sự Tam bảo tại chùa Khải Tường, Đại đức đã thành lập phòng thuốc nam từ thiện mang tên “Tế Thế Khải Tâm Đường”, hoạt động từ năm 2008. Đại đức cũng hướng dẫn Phật tử tích cực tham gia các phong trào an sinh xã hội do địa phương phát động, tổ chức trao quà hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, làm đường nông thôn, góp phần cùng xây dựng quê hương ngày thêm văn minh, tươi đẹp.
“Quốc gia bao cuộc suy rồi thịnh,
Ân đức Tổ thầy mãi khắc ghi,
Khải kiến Di Đà vô biệt niệm,
Tường minh giáo pháp Chánh Biến Tri,
Tự thân tinh tấn hành phương tiện,
Lợi đạo ích đời phước hà sa.”

Một số ảnh tư liệu:

 

Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang

H.Châu Thành: Lịch Sử Chùa Thiên Long

H.Châu Thành: Lịch Sử Chùa Thiên Long

 -  Thứ 5- 28/11/2024 20:59

Chùa Thiên Long tọa lạc tại ấp Tân Thuận, xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Đại đức Thích Quảng Lực đương nhiệm trụ trì.

TX.Cai Lậy: Lịch Sử Chùa Đông Phương

TX.Cai Lậy: Lịch Sử Chùa Đông Phương

 -  Thứ 2- 11/11/2024 17:50

Chùa Đông Phương tọa lạc tại 317, Quốc lộ 1A, khu phố 4, phường 5, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Hòa thượng Thích Bửu Chánh đảm nhiệm trụ trì.

TX.Cai Lậy: Lịch Sử Chùa Long Thanh

TX.Cai Lậy: Lịch Sử Chùa Long Thanh

 -  Thứ 2- 11/11/2024 17:39

Chùa Long Thanh tọa lạc tại ấp 7, xã Tân Bình, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Sư cô Thích Nữ Nguyên Trọng đương nhiệm trụ trì.

TX.Cai Lậy: Lịch Sử Tịnh Thất Hạnh Nhơn

TX.Cai Lậy: Lịch Sử Tịnh Thất Hạnh Nhơn

 -  Thứ 2- 11/11/2024 17:12

Tịnh thất Hạnh Nhơn tọa lạc tại ấp 3, xã Tân Bình, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Sư cô Thích Nữ Nhuận Lộc trụ trì.

TX.Cai Lậy: Lịch Sử Chùa Huỳnh Long (Cây Trí)

TX.Cai Lậy: Lịch Sử Chùa Huỳnh Long (Cây Trí)

 -  Thứ 2- 11/11/2024 09:30

Chùa Huỳnh Long (Cây Trí) tọa lạc tại ấp 5, xã Tân Bình, thị xá Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Sư cô Thích Nữ Như Huê đương nhiệm trụ trì.