Kỹ năng dẫn chương trình và sản xuất phóng sự truyền hình

Phật giáo Tiền Giang - 06/04/2024

PGTG – Sáng ngày thứ 6 của khóa Bồi dưỡng chuyên ngành Thông tin Truyền thông năm 2024 do Ban TT-TT Phật giáo tỉnh Tiền Giang tổ chức tại chùa Vĩnh Tràng (TP.Mỹ Tho), MC-BTV-Phóng viên Khắc Tuyến - Kênh Truyền hình An Viên BChannel BTV9, đã có buổi gặp gỡ và chia sẻ với các học viên khoá bồi dưỡng về chuyên đề: Kỹ năng dẫn chương trình và sản xuất phóng sự truyền hình.

Chuyên đề hôm nay, BTV Khắc Tuyến đã trình bày một số ý chính như: Các yếu tố cần thiết của một MC truyền hình; Sự khác nhau giữa dẫn Tin và dẫn Phóng sự; Kỹ năng sản xuất phóng sự truyền hình; Các yếu tố cơ bản của một phóng sự; Kỹ năng đọc lời bình tin và phóng sự; Một số lưu ý khi quay phóng sự truyền hình.
Các yếu tố cần thiết của một MC truyền hình là hiểu và quản lý được giọng nói qua ba lĩnh vực: Tốc độ, Cao độ và độ Lớn. Nghĩa là số lượng từ phát ra nhanh hay chậm, vì âm thanh có âm thấp âm cao, trong câu dẫn thì có trầm có bỗng, nên người dẫn phải biết điều chỉnh độ lớn hay nhỏ trong khi dẫn, có thể nhanh một chút nhưng cuối câu dẫn có thể chậm lại và dịu xuống để tạo điểm kết thúc nhẹ nhàng và dứt khoát. 

BTV Khắc Tuyến lưu ý cho các học viên một số điểm cần phải lưu tâm, nhấn mạnh như khi phát thanh như: Giáo phẩm, Pháp danh, chức danh, địa điểm, tên chùa, thời gian, ngày tháng, con số. Đồng thời hướng dẫn về cách phát âm và tạo khẩu hình để khi phát âm được chuẩn xác hơn. Giải thích sự khác nhau giữa dẫn tin và dẫn phóng sự: Dẫn tin là giới thiệu thông tin diễn ra một cách khách quan với thời lượng ngắn, dẫn phóng sự thì thời gian sẽ dài hơn, khi dẫn sẽ chậm hơn. 

Bên cạnh đó, để tạo không khí sôi nổi cho buổi học bằng việc tương tác giữa lý thuyết và thực hành. BTV Khắc Tuyến đã hướng dẫn những kỹ năng để dẫn một chương trình và làm thế nào để sản xuất ra một phóng sự truyền hình. Phóng viên đã cho thực hành ngay tại lớp về một số ngôn ngữ hình thể khi dẫn tin: Biểu cảm là tất cả trạng thái, thái độ, cảm xúc trên gương mặt của người dẫn chương trình, được thể hiện phù hợp với tính chất nội dung đang biểu đạt. Mức độ là ngôn ngữ cơ thể và biểu cảm của MC truyền hình có phần được tiết chế để vẫn đảm bảo tính chất thời sự, khách quan.

Người dẫn chương trình cũng cần lưu ý khi sử dụng máy nhắc chữ (với tên gọi chuyên ngành là Promter hay Cue), một thiết bị hiển thị văn bản điện tử để nhắc cho người dẫn chương trình, phải chọn cỡ chữ và tốc độ chạy chữ phù hợp với thị lực; chú ý để ánh nhìn ở điểm giữa máy nhắc chữ, chú ý ngắt nghỉ cho phù hợp, tránh ngắt sai mục đích diễn đạt.

Về cấu trúc cơ bản của một phóng sự truyền hình BTV Khắc Tuyến đưa ra ba dạng mà các BTV truyền hình thường sử dụng để các học viên tham khảo, thực tập. Đồng thời cũng trình bày một số kỹ năng phỏng vấn khi đi tác nghiệp, góc đặt máy ghi hình, …
BTV Khắc Tuyến hy vọng buổi học hôm nay là một kinh nghiêm chắt lọc để mỗi học viên trở thành một cộng sự đắc lực cho ngành TT-TT Phật giáo tỉnh Tiền Giang nói riêng và cho Giáo hội, góp phần cùng xiểng dương Chính pháp.

Một số ảnh ghi nhận:

https://www.youtube.com/watch?v=bAuB7u7ZdSk

Ngọc Bối - Nhuận Diệu