“Đám cưới trong chùa - đó có phải là sự nghịch lý? Mang yếu tố tâm linh có thiết thực? Trào lưu hay tập tục? Đó cũng là vấn đề thời sự của xã hội hiện nay”.
Quang cảnh một buổi lễ Hằng thuận tại chùa Phước Ân, huyện Cái Bè ngày 23/6/2024
Với tinh thần từ bi và trí tuệ, giáo lý nhà Phật nhằm giúp mỗi cá nhân thấu hiểu lẽ thật về cuộc sống, con người và thế giới thông qua lý Duyên khởi, biết tôn trọng và chịu trách nhiệm với chính mình cũng như mọi người, mọi loài không ngoài Nhân quả… Từ đó, con người có được cuộc sống lành mạnh, hài hòa, cân bằng giữa vật chất và tinh thần thông qua các phương pháp thực hành đơn giản từ những lời đức Phật đã dạy.
Trong những năm gần đây, xu hướng mới được nhiều bạn trẻ hoan hỷ đón nhận và hưởng ứng một cách đầy tự hào, như một niềm tin vào triết lý sống, sự bình yên và lời chúc phúc có được, khi và chỉ khi được sống trong gia đình đạo đức, Phật tử thuần thành mới được thừa hưởng, đó là việc tổ chức lễ đính hôn tại chùa, được gọi là “Lễ Hằng Thuận”.
NGUỒN GỐC, Ý NGHĨA CỦA LỄ HẰNG THUẬN
Nguồn Gốc:
Hằng thuận có nguồn gốc sâu xa từ hai sự kiện thời Phật còn tại thế. Một lần, khi Đức Phật và Tăng đoàn ghé về thăm kinh thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu) qua thỉnh mời của Tịnh Phạn vương (Suddhodana) nhân dịp cử hành lễ đăng quang và kết hôn của Thái tử Nan Đà (Nanda) với Công chúa Tôn Đà Lợi (Sundarī). Tại đây, Ngài và chư Tăng đã được vua Tịnh Phạn cùng các triều thần trong hoàng tộc cung thỉnh tham dự, đồng thời Ngài đã chứng minh và chúc phúc cho hai người.
Hai Phật tử Minh Lợi - Nguyễn Khắc Quỳnh và Liên Tú - Nguyễn Thị Ngọc Tâm lắng nghe chư Tôn đức giảng về đạo nghĩa vợ chồng trong ngày lễ hằng thuận
Lần khác, Đức Phật và Tăng đoàn nhận lời dự lễ cúng dường tại hôn lễ của con gái trưởng giả Cấp Cô Độc (Anathapindika) là đồng nữ Thiện Vô Độc (善無獨) ở thành Xá Vệ (Śrāvastī) vốn là một Phật tử thuần thành, có thiện tâm và năng lực tu tập giải thoát với con trai của trưởng giả Mô Thi La (模尸羅) là đồng tử Ngưu Thọ (牛壽) ở thành Phúc Tăng (福增). Trước khi nhận lời gả con gái cho con trai trưởng giả Mô Thi La, trưởng giả Cấp Cô Độc đã tới trình, xin ý kiến Phật về duyên sự này. Đức Phật quán sát, thấy rõ nhân duyên của đồng nữ sẽ làm được nhiều Phật sự lớn lao trong đời, nên ngài khuyên trưởng giả Cấp Cô Độc hãy gả đồng nữ cho con trai trưởng giả Mô Thi La. Sắp tới ngày hôn lễ, Đức Phật gián tiếp nhận lời đồng nữ Thiện Vô Độc qua việc thắp hương cung thỉnh Ngài từ xa. Trong buổi cúng dường hỷ sự ấy, Đức Phật và Tăng đoàn đã chứng minh, ban pháp thoại cho toàn thể chúng hội, gồm: Chư Thiên, Long bát bộ, Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ, ngoại đạo phát nguyện quy y Tam bảo và chứng đắc quả vị khác nhau.
Đôi Tân lang - Tân nương phát nguyện cùng trọn đời sống chung hòa hợp tại buổi lễ hằng thuận
Đây là những sự kiện đặc biệt hy hữu khi Đức Phật và chư Tăng tới chứng minh hôn lễ của cư sĩ tại gia. Bởi theo lời Phật dạy, chư Tăng không bao giờ có mặt tại một đám cưới của người tại gia, vì nơi đó thường diễn ra các hình thức ăn uống, ca hát, chúc tụng… theo phong tục của thế gian, không hợp với người tu hành. Đó là câu chuyện thời Phật tại thế; còn ở nước ta thì lễ Hằng thuận xuất hiện khi nào?
Người đầu tiên nghĩ đến việc tổ chức lễ cưới tại chùa là cụ đồ Nguyễn Trọng Thuật, bút hiệu Đồ Nam Tử (1883 – 1940), quê ở Hải Dương.
Năm 1930, bác sĩ – Phật tử Lê Đình Thám tổ chức lễ cưới cho con gái đầu của ông là Lê Thị Hoành và Hoàng Văn Tâm tại chùa Từ Đàm, TP.Huế. Đây được xem là lễ cưới điển hình đầu tiên được tổ chức tại chùa trong lịch sử Phật giáo nước ta.
Đến năm 1971, Hòa thượng Thích Thiện Hòa đã chính thức đặt tên cho lễ kết hôn tại chùa là lễ Hằng Thuận. Theo tên gọi, thì “hằng” là thường xuyên, là luôn luôn, còn “thuận” là hòa thuận, là đồng thuận hướng về những điều cao thượng, đời sống thánh thiện.
Tân lang và Tân nương đeo nhẫn cho nhau sau khi được nghe về ý nghĩa của đôi nhẫn cưới
Ý Nghĩa:
Hằng thuận có nghĩa là đôi vợ chồng luôn luôn sống hòa thuận, “tương kính như tân”, nhường nhịn lẫn nhau, cùng chia sẻ trách nhiệm bổn phận của người vợ người chồng trong đời sống hôn nhân, đối với ông bà cha mẹ và con cái; đồng thời hướng đến con đường tu tập giác ngộ giải thoát, trên cơ sở giữ gìn ngũ giới và sống đời sống chuẩn mực đạo đức.
Người xưa có câu:
“同心同德美滿夫婦. 克儉克勤幸福鴛鴦”
(Đồng tâm đồng đức mỹ mãn phu phụ. Khắc kiệm khắc cần hạnh phúc uyên ương.)
Nghĩa là:
Cùng lòng, cùng đức, vợ chồng mỹ mãn. Biết cần, biết kiệm hạnh phúc uyên ương.
Trong buổi lễ, hai bên gia đình được nghe giảng và hiểu rõ về ý nghĩa của chiếc nhẫn cưới. Khi trao nhẫn cưới cho nhau là trao trái tim yêu đương trong sự thấu hiểu và cảm thông. Khi có mâu thuẫn trong gia đình, phải nhìn lại chiếc “nhẫn” mà có sự nhường nhịn, và sẻ chia mới có thể sống đời sống an vui, hạnh phúc.
Đôi bạn trẻ nhận Giấy Chứng nhận và lời chúc phúc từ chư Tôn đức
Những lời giảng về trách nhiệm trong đời sống hôn nhân gia đình như: “Bảy hạng vợ”, “Năm cách người chồng đối với vợ. Có bốn trường hợp, người con phải phụng dưỡng cha mẹ,…”
Những lời phát nguyện của đôi tân lang – tân nương, dưới sự chứng minh của chư Tôn đức cùng quan viên hai họ, với không gian trang trọng, giúp cho lễ cưới có ý nghĩa hơn trong việc thiết lập những viên gạch mới trong tổ ấm của mình.
Đám cưới tổ chức trên chùa không nặng về hình thức hay phô trương mà thực sự là một nghi thức có từ lâu đời, đánh dấu sự bắt đầu của cuộc sống hôn nhân, là nơi để cô dâu, chú rể và đôi bên gia đình nhận thức sâu sắc về hạnh phúc, hôn nhân và những trọng trách của bản thân đối với đôi bên. Tuy không rình rang nhưng đó là những phút giây rất quý giá và linh thiêng trong đời người.
Những lời dạy của đức Phật giúp các đôi vợ chồng hiểu hơn về giá trị của cuộc sống, từ đó có ý thức trách nhiệm, cư xử đúng mực làm tiền đề xây dựng tổ ấm hạnh phúc gia đình cho đôi bên. Chùa là nơi dành cho các bậc tu hành nhưng cũng là nơi để mọi người gửi gắm tâm tư, nguyện vọng. Vì thế đừng quá “khuôn mẫu” cứng nhắc đối với đạo Phật, hãy để nơi đây gần gũi hơn với đời, lắng nghe chia sẻ những buồn, vui của mỗi người, có sự “thông thái” trong “quan niệm mới” về đạo Phật rất phát triển, rất Việt Nam không đi ngoài giới luật và quy cũ thiền môn.
Thiện Nguyễn