Tiền Giang: Ông Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh thuyết trình tại khóa Bồi dưỡng chuyên ngành truyền thông năm 2024

Phật giáo Tiền Giang - 01/04/2024

PGTG - Chiều ngày 01/4/2024, trong niềm hoan hỷ của ngày học đầu tiên, đáp lại lời mời của Ban Tổ chức Khoá Bồi dưỡng chuyên ngành Thông tin Truyền thông Phật giáo tỉnh Tiền Giang, ông Trần Văn Dũng – Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang đã chia sẻ đến quý học viên đề tài: “Định hướng truyền thông trong đời đại 4.0”.

Tham dự buổi học chiều nay, có Ni sư Thích Nữ Diệu Tâm, Trưởng ban TT-TT Phật giáo tỉnh Tiền Giang cùng hơn 140 học tham dự và lắng nghe thuyết trình. 
Bắt đầu buổi thuyết trình, ông Trần Văn Dũng khẳng định TT-TT là ngành mà Đảng và Nhà nước luôn quan tâm trong công cuộc ổn định và phát triển xã hội. Đối với Phật giáo TT-TT là tiếng nói truyền tải thông tin của Giáo hội cũng như công cuộc Hoằng pháp đến quảng đại quần chúng nhân dân một cách nhanh chóng, vì vậy nó rất quan trọng đối với Tăng Ni, Phật tử trong thời đại hiện nay.
Ông Trần Văn Dũng đã dành thời gian nói về chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân tổ chức về cách sống, cách làm việc dựa trên các công nghệ số. Trong không gian số đa chiều, phản ánh môi trường số trong hệ thống dữ liệu, hướng đến sự tối ưu mang lại giá trị cốt lõi trong hiện thực. Khi tiếp cận gồm 3 vấn đề lớn: Số hoá – Mô hình hoạt động – Quá trình thực hiện một cách mới nhất.

Công nghệ số là một trong các nhóm công nghệ chính của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, với đại diện là công nghệ điện toán đám mây dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, thực tế ảo, ...
Tiếp theo, Ông giới thiệu đến học viên về chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Như chúng ta biết, người dân nông thôn sống xa thành thị, trình độ dân trí thấp, nhưng với môi trường số ngày nay, mở ra cơ hội rất lớn để mọi nơi đều được thụ hưởng những giá trị mà công nghệ số mang lại. 
Xã hội số khác với không gian ảo, không gian số mang tính rất xác thực, bảo mật tốt có thể quét toàn bộ những thông tin sai lệch hoặc bất lợi, ... bằng công nghệ số nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, khi tham gia xã hội số, chúng ta cần đáp ứng được văn hoá ứng xử trên xã hội số phải lành mạnh, chuẩn mực đạo đức con người. 

Với vấn đề chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, truyền thông còn khá hạn chế. Đối với xu hướng phát triển của công nghệ đều được phân tích rõ ràng, chi tiết, kịp thời để thích ứng với thời đại. Đối với truyền thông Phật giáo càng phải thận trọng từ những phát ngôn hay những cái “click chuột” tuỳ tiện. Qua đây Ông còn đưa ra nhiều câu chuyện thực tế về sức mạnh của mạng xã hội để chúng ta cảnh giác, đừng vội vàng, cẩn thận sử dụng một cách chánh kiến của người học Phật. 
Tương lai của truyền thông về truyền hình đều hướng về OTT như đài truyền hình An Viên đã áp dụng chuyên về truyền hình để tuyên truyền, thì mức độ thụ hưởng của Phật tử rất cao và thể hiện sức lan toả mạnh của Phật giáo. 
Bên cạnh đó, cần phải đề cao tính bảo mật thông tin, lợi dụng công nghệ số để lừa đảo. Khi chúng ta làm tốt công tác truyền thông cần cung cấp thông tin chuẩn xác, chân thật, có trách nhiệm với những thông tin mình truyền tải. 

Kết thúc buổi học, Ni sư Diệu Tâm – Trưởng ban Tổ chức gửi lời chúc sức khoẻ và tri ân về sự hiện diện quý báu của Ông Trần Văn Dũng trong buổi chiều hôm nay. Ni sư nhận thấy buổi thuyết trình này mang lại rất nhiều giá trị lợi ích và bổ sung nhiều kiến thức về công nghệ hoá đối với Tăng Ni, Phật tử trong tỉnh. Buổi học khép lại trong niềm hoan hỷ của toàn thể đại chúng. 

https://www.youtube.com/watch?v=_sczAAaYGKE

Thiện Nguyễn - Vạn Nguyên