H.Châu Thành: Lịch Sử Chùa Thiên Long
Chùa Thiên Long tọa lạc tại ấp Tân Thuận, xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Đại đức Thích Quảng Lực đương nhiệm trụ trì.
Thông báo
LỊCH SỬ CHÙA PHƯỚC ĐIỀN
Ấp 5, xã Phú An, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang
Chùa Phước Điền được thành lập vào năm 1855, do Hòa thượng Thích Bửu Thắng, húy Hồng Đông, thế danh Nguyễn Văn Đông tạo dựng tại ấp 5, xã Phú An, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Hòa thượng người quê gốc Cái Bè. Vào khoảng thập niên 80 của thế kỷ XIX, hay danh và uy đức của Tổ Phi Lai - Chí Thiền nên Hòa thượng Thích Bửu Thắng đã trở về vùng Châu Đốc (An Giang) cầu pháp với Tổ sư để tu học, được Hòa thượng ban Pháp hiệu là Hồng Đông. Một thời gian sau Ngài xin Tổ trở về quê nhà cất am tu tập và hoằng dương Phật pháp; Tổ đã đồng ý và còn cho một số cây cột gỗ quý để về cất chùa, ban cho hiệu chùa là Phước Điền Tự.
Sau khi Hòa thượng viên tịch, chùa Phước Điền được Hòa thượng Thích Thiện Thanh, húy Như Huệ kế vị trụ trì. Thời kỳ này, đất nước rơi vào cảnh chiến tranh, chùa Phước Điền cũng có phần hoang phế.
Kế vị Hòa thượng Thích Thiện Thanh trụ trì chùa Phước Điền là Hòa thượng Thích Thiện Đạt, húy Nhựt Phát. Hòa thượng là bạn đồng liêu tu học với Hòa thượng Thích Thiện Mỹ, Trụ trì chùa Thiền Kim (ấp Mỹ Phú C, xã Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp).
Thấy Hòa thượng Thích Thiện Đạt tuổi cao mà không có đệ tử phụ giúp công việc chùa nên năm 1987, Hòa thượng chùa Thiền Kim đã cho Sư cô Thích Nữ Như Thảo về chùa Phước Điền để phụ công việc Phật sự tại đây.
Lúc này chùa Phước Điền đã bị xuống cấp, Hòa thượng Trụ trì tuổi đã cao, nên công việc Phật sự phần nhiều do Sư cô Thích Nữ Như Thảo đảm trách. Ngôi chùa lại nằm trong vùng hẻo lánh, bao nhiêu gian khó ban đầu, Sư cô Như Thảo đều vượt qua, từ việc nấu sương sáu, làm thực phẩm chay để bán đến đi vận động tìm kinh phí để trùng tu lại chùa.
Năm 2003, được sự cho phép của Hòa thượng Trụ trì, Sư cô Như Thảo tiến hành trung tu lại nhà Hậu Tổ, thờ chư Tổ tiền nhiệm và hương linh bá tánh ký gửi nhiều đời tại chùa. Khoảng không gian Hậu Tổ cũng dùng làm Trai đường.
Năm 2007 thấy ngôi Chánh điện cũ làm bằng cây, mái lợp ngói âm dương từ thời Tổ sơ khai nay đã bị xuống cấp nên Hòa thượng Thích Thiện Đạt đã quyết định đại trùng tu. Sư cô Thích Nữ Như Thảo đứng ra vận động Phật tử, các nhà hảo để cùng chung sức với Phật sự này.
Công trình làm trong vòng hai năm thì hoàn thành với lối kiến trúc tứ trụ cao thoáng, mái lợp tol màu và có trang trí hoa văn rồng trên các diềm mái, vách tường, nền lát gạch men hiện đại, cửa đi làm bằng gỗ, các ô cửa sổ và khung gió gắn bông sắt.
Bên trong ngôi Chánh điện, bệ thờ trên cao là Tôn tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trầm mặc, bệ phía trước bên dưới là ba pho Tây phương Tam Thánh (đều là tượng cũ của chùa từ khi thành lập còn giữ lai); hai bên ban tả hữu là bệ thờ Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng.
Sau khi ngôi Chánh điện hoàn thành, Sư cô Như Thảo tiếp tục vận động làm hai dãy nhà Đông và Tây lang để làm nơi nghỉ ngơi cho Tăng chúng và thuận tiện cho Phật tử trở về tu tập sinh hoạt Phật pháp. Tiếp theo sau đó Sư cô còn tiến hành làm tường rào và tu bổ lại cổng chùa vào năm 2009; dựng đài thờ Tôn tượng Phật Bổn Sư và Bồ tát Quán Âm lộ thiên cũng như kiến tạo lại toàn bộ khuôn viên phía trước sân chùa để làm nơi sạch đẹp cho Phật tử gần xa trở về lễ Phật, vãng cảnh thiền môn.
Năm 2002, thấy Sư cô Thích Nữ Như Thảo đã vững chải trên con đường hành đạo, nên Hòa thượng Thích Thiện Đạt đã kiến nghị lên các cấp Giáo hội giao chức vụ Trụ trì chùa Phước Điền cho Sư cô đảm nhận, trực tiếp điều hành Phật sự cho đến nay. Hòa thượng viên tịch vào ngày mùng 9 tháng 11 năm 2012.
Từ khi tiếp nhận trụ trì, nhờ tấm lòng tận tụy của Sư cô và sự trợ duyên của Phật tử, nên chùa Phước Điền tiếp tục được tu bổ ngày thêm khang trang, làm chỗ tu tập cho hàng Phật tử tín tâm. Sư cô vẫn duy trì và phát triển khóa tu Bát Quan trai vào ngày 14 âm lịch hàng tháng để Phật tử trở về tu học Phật pháp. Sư cô còn hướng dẫn Phật tử tham gia các công tác từ thiện, an sinh xã hội như: xây nhà tình thương, tặng quà người nghèo; mỗi tháng nấu cơm tặng cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cai Lậy vào ngày 17 và 28 âm lịch.
Năm 2009, nhân duyên đến, Sư cô Trụ trì lần lượt tiếp nhận 3 cháu bé bị bỏ rơi trước cổng chùa vào nuôi dạy cho đến nay. Được sự trợ giúp của Phật tử, các chú tiểu lớn lên và được đi học nên rất ngoan.
Ngoài các công tác Phật sự của chùa, Sư cô Thích Nữ Như Thảo còn tham gia các hoạt động xã hội như tham gia Hội đồng Nhân dân, Hội Cựu Chiến binh xã Phú An, góp phần cùng địa phương xây dựng quê hương ngày thêm tươi đẹp.
Với những đóng góp của Sư cô Thích Nữ Như Thảo cho Giáo hội và Xã hội nên Sư cô đã được nhận nhiều bằng Tuyên dương công đức của Giáo hội, và Kỷ niệm chương của Trung ương MTTQVN, Giấy khen, Bằng khen của UB MTTQVN tỉnh Tiền Giang, huyện Cai Lậy và chính quyền địa phương trao tặng. Sư cô cũng được Giáo hội tấn phong lên hàng Giáo phẩm Ni sư vào kỳ Hội nghị thường niên năm 2019. Quả thật là:
“Chùa đứng hiền lành tự thuở xưa,
Tình dân gửi ấm đã bao lần,
Tổ tiên bồi đắp bao năm tháng,
Nối tiếp không ngừng lớp tuổi thơ.”
Một số ảnh tư liệu:
Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang
Chùa Thiên Long tọa lạc tại ấp Tân Thuận, xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Đại đức Thích Quảng Lực đương nhiệm trụ trì.
Chùa Đông Phương tọa lạc tại 317, Quốc lộ 1A, khu phố 4, phường 5, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Hòa thượng Thích Bửu Chánh đảm nhiệm trụ trì.
Chùa Long Thanh tọa lạc tại ấp 7, xã Tân Bình, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Sư cô Thích Nữ Nguyên Trọng đương nhiệm trụ trì.
Tịnh thất Hạnh Nhơn tọa lạc tại ấp 3, xã Tân Bình, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Sư cô Thích Nữ Nhuận Lộc trụ trì.
Chùa Huỳnh Long (Cây Trí) tọa lạc tại ấp 5, xã Tân Bình, thị xá Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Sư cô Thích Nữ Như Huê đương nhiệm trụ trì.