H.Châu Thành: Lịch Sử Chùa Thiên Long
Chùa Thiên Long tọa lạc tại ấp Tân Thuận, xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Đại đức Thích Quảng Lực đương nhiệm trụ trì.
Thông báo
LỊCH SỬ CHÙA TRƯỜNG THÁP
Chùa Trường Tháp tọa lạc tại ấp 4,xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Đại đức Thích Quảng Hiệp trụ trì.
Chùa Trường Tháp là một trong những điểm di tích khảo cổ thuộc Văn hóa Phù Nam (Văn hóa Óc Eo), đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang xếp hạng di tích năm 2000.
Chùa Trường Tháp có mặt tại địa phương này từ lâu đời, tương truyền do người Cao Miên để lại và có tên là Long Tháp Tự. Trãi qua thời gian thế sự đổi dời, ngôi Chùa bị rơi vào hoang phế, chỉ còn lại một ngôi miếu nhỏ nằm trơ trọi trên một gò đất trống giữa cánh đồng ruộng mênh mông; người dân địa phương bấy giờ quen gọi nơi đây là “Gò Miên”.
Đến năm 1954 ông Nguyễn Công Nhất về sửa sang cái miếu nhỏ lại để có nơi thờ cúng Phật và tu hành. Thời kỳ chiến tranh, vùng đất này luôn bị bom pháo phục kích liên miên, người dân tản cư gần hết nhưng ông Nguyễn Công Nhất vẫn bám trụ nơi đây tu tập. Sau tết Mậu Thân năm 1968, do tình hình giặc đánh quá ác liệt nên ông Nguyễn Công Nhất đã tạm lánh đi tản cư một thời gian rồi viên tịch.
Sau năm 1975, thấy ngôi chùa xưa bị hoang phế, ông Nguyễn Công Giàu, Pháp danh Thích Thiện Huệ, là con trai của ông Nguyễn Công Nhất, đã phát tâm đến dọn dẹp rồi cất lại ngôi chùa nhỏ trên nền đất cũ để sớm hôm kinh kệ tu hành. Ngôi chùa bấy giờ được đặt tên là “Chùa Trường Tháp”.
Thời kỳ đất nước vừa giành được độc lập, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, chùa Trường Tháp lại nằm trong vùng sâu, đường đi lại còn nhiều cách trở, thế nhưng Thầy Thiện Huệ vẫn kiên trì chăm lo ngôi Tam bảo Trường Tháp, từng bước trùng tu, xây dựng để có nơi thờ cúng trang nghiêm cho Phật tử quanh vùng trở về chiêm bái, tu tập vào các ngày sóc, vọng và những dịp lễ Tết trong năm.
Năm 2013, được sự phát tâm của Phật tử gần xa, Thầy Thiện Huệ đã khởi công xây dựng lại ngôi Chánh điện chùa Trường Tháp bằng chất liệu bê tông cốt thép kiên cố, mái lợp tôn, vách tường, nền lát gạch men. Bên trong Chánh điện thờ Tôn tường Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và chư vị Bồ tát, tuy đơn giản nhưng trang nghiêm.
Hóa duyên ký tất, Thầy Thiện Huệ đã viên tịch vào ngày 16 tháng 9 năm 2014, trụ thế 83 năm.
Sau khi Thầy Thiện Huệ viên tịch, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Cai Lậy cử Đại đức Thích Quảng Hiệp là Tăng chúng ở chùa Phước Sơn (xã Bình Phú) về làm Giám tự, chăm lo Tam bảo và hướng dẫn Phật tử tu tập. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang cũng có Quyết định số 013 ký ngày 27 tháng 4 năm 2022 Bổ nhiệm cho Đại đức Thích Quảng Hiệp trụ trì chùa Trường Tháp để cho Đại đức thuận tiện hơn trong quá trình điều hành Phật sự nơi đây.
Từ khi tiếp nhận trọng trách nơi chùa Trường Tháp, Đại đức Thích Quảng Hiệp đã từng bước trùng tu ngôi Tam bảo, mở khóa tu học định kỳ cho Phật tử tham dự; xây dựng các công trình phụ để phục vụ cho việc tu học của đạo tràng; kiến tạo lại phần đất bưng trủng lâu đời phía sau chùa để trồng cây ăn trái, tạo thêm thu nhập cho bổn tự, khơi nguồn hương khói mãi về sau.
“Đất nước trải qua bao chìm nổi,
Chùa xưa mấy bận với thịnh suy.
Trường giang sóng vỗ bao giờ tận,
Tháp cũ thềm rêu! ôi tháng năm!”
Một số ảnh tư liệu:
https://www.youtube.com/watch?v=AHiEbgg54PU
Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang
Chùa Thiên Long tọa lạc tại ấp Tân Thuận, xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Đại đức Thích Quảng Lực đương nhiệm trụ trì.
Chùa Đông Phương tọa lạc tại 317, Quốc lộ 1A, khu phố 4, phường 5, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Hòa thượng Thích Bửu Chánh đảm nhiệm trụ trì.
Chùa Long Thanh tọa lạc tại ấp 7, xã Tân Bình, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Sư cô Thích Nữ Nguyên Trọng đương nhiệm trụ trì.
Tịnh thất Hạnh Nhơn tọa lạc tại ấp 3, xã Tân Bình, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Sư cô Thích Nữ Nhuận Lộc trụ trì.
Chùa Huỳnh Long (Cây Trí) tọa lạc tại ấp 5, xã Tân Bình, thị xá Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Sư cô Thích Nữ Như Huê đương nhiệm trụ trì.