H.Gò Công Đông: Lịch Sử Chùa Liên Hương
Chùa Liên Hương tọa lạc tại ấp 5, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Thầy Thích Thiện Chí đương nhiệm trụ trì.
Thông báo
Nằm yên bình giữ vùng quê bát ngát, chùa Liên Hương được thành lập vào năm 1974 bởi Thầy Thiện Hương – là một bậc chân tu “Sống Đạo giữa đời thường” chỉ thọ giới Bồ tát với hình tướng của một người cư sĩ cạo tóc, mặc áo nâu sòng, cùng với thệ nguyện trọn đời giữ trọn 5 giới.
Lúc bấy giờ, vùng đất xã Tân Tây còn nghèo khó. Dù điều kiện vật chất còn nhiều hạn chế, Thầy Thiện Hương vẫn phát tâm hiến cúng 4000m2 đất để xây dựng lên một ngôi chùa nhỏ, làm nơi nương tựa tâm linh cho bà con Phật tử, cũng như để gieo mầm đạo đức trong lòng thế hệ mai sau.
Đến ngày 19 tháng 6 năm 1974 (năm Giáp Dần) Thầy bắt đầu khởi công xây dựng ngôi tự và đặt tên là “Chùa Liên Hương” được mượn từ tên chùa Liên Hoa và tên Thầy – Thiện Hương mà hình thành.
Tuy không đồ sộ, nhưng ngôi Chùa nhỏ hiện lên trong mắt người dân địa phương như là một chiếc áo mộc mạc, đơn sơ đầy ấm áp. Chỉ đơn giản là căn nhà mái tole, nền đất, thế nhưng, chính nơi ấy lại nuôi dưỡng tâm hồn và niềm tin cho biết bao thế hệ người dân quê.
Thầy Thiện Hương, thế danh là Nguyễn Văn Sâm (1911 - 1994), Thầy sinh ra trong một gia đình nông dân giàu lòng kính tin Tam Bảo, thấm nhuần tinh thần đạo pháp từ thuở nhỏ. Đặc biệt với gốc rễ tâm linh vững chắc, Thầy là cháu đời thứ năm của Tổ khai sơn chùa Bửu Thắng (Gò Công Đông). Hòa thượng Thích Trí Nghĩa (chùa Bửu Thắng), Hòa thượng Thích Trí Hòa (chùa Phước Bình, Gò Công Tây) là anh em chú bác ruột với Thầy Thiện Hương.
Dù chưa chính thức trở thành Tăng sĩ, nhưng Thầy luôn hành trì nghiêm mật. Mỗi ngày, Thầy đều về chùa hương khói, lễ bái, công phu sám hối, vun bồi cho chánh niệm và sự tĩnh lặng trong tâm.
Đến năm 1993, khi tuổi đã ngoài 80 và sức khỏe giảm sút, Thầy quyết định trao lại việc hương khói và hành trì tại chùa Liên Hương cho người con trai trưởng là Đại đức Thích Thiện Chí. Ban đầu, Đại đức chỉ lui tới chăm lo hương đèn, đến năm 1998, Ngài mới chính thức về chùa Liên Hương để xuất gia và gánh vác trọng trách của Thầy để lại. Vào năm 2008, Đại đức chính thức thọ giới Tỳ-kheo tại Đại giới đàn Chánh Hậu, do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang tổ chức tại chùa Vĩnh Tràng.
Đến năm 1994, vì niên cao, Thầy Thiện Hương lâm bệnh duyên và mãn phần vào ngày 15 tháng 3 năm Giáp Tuất (1994), trụ thế 84 năm.
Năm 2001, chùa Liên Hương được tiến hành trùng tu lần thứ hai. Bấy giờ Thượng tọa Thích Minh Bảo, trụ trì chùa Dược Sư (TP.Mỹ Tho), là cháu nội của Thầy Thiện Hương đã xin phép Đại đức Thích Thiện Chí (là bác ruột) để đảm nhiệm giám sát công trình trùng tu ngôi chùa Liên Hương.
Dựa trên nền móng cũ, các cột bê tông được tiếp nối bằng cách đổ đà, xây tường kiên cố. Nền đất được lót gạch men sạch sẽ, bàn thờ Phật được xây dựng trang nghiêm. Chánh điện được tôn trí tượng đức Phật Bổn Sư, Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng, tất cả đều bằng chất liệu xi măng. Mái lá trước đây được thay bằng mái tole xi măng nhằm đảm bảo sự bền vững, che mưa nắng cho ngôi Tam Bảo.
Đến tháng 4 năm 2008, dưới sự chứng minh và xác nhận của Hòa thượng Thích Bửu Hòa – Chánh Đại diện Phật giáo huyện Gò Công Đông lúc bấy giờ – Di chúc của Đại đức Thích Thiện Chí được công nhận, chính thức trao quyền thừa kế chùa Liên Hương cho Thượng tọa Thích Minh Bảo. Kể từ đó, Thượng tọa đã lập kế xây dựng từng hạng mục, dốc lòng gìn giữ và phát triển ngôi chùa. Toàn bộ kinh phí trùng tu đều do Thượng tọa đứng ra vận động lo liệu.
Năm 2011, công trình trùng tu chùa Liên Hương chính thức được khởi công. Đến tháng 6 cùng năm, các hạng mục như Giảng đường, khu nhà nghỉ, nhà khói được xây dựng liền một dãy, với chiều ngang 11m, chiều dài 25m. Công trình sử dụng vật liệu bê tông, cốt thép, tường bao quanh chắc chắn, mái lợp tole xi măng, nền lát gạch men, phía trước và bên hông đều có hành lang và mặt dựng tạo sự thông thoáng, thuận tiện cho sinh hoạt tu học.
Về mặt kiến trúc tổng thể, chùa Liên Hương sau khi trùng tu mang phong cách hiện đại, có quy mô và bố cục hài hòa. Các công trình tâm linh tiêu biểu lần lượt được xây dựng như: cổng Tam quan, cổ lầu Quan Âm, Chánh điện, và Từ đường thờ tổ tiên, gia tộc, tiền bối hữu công.
Cổng Tam quan được thiết kế theo hình tháp, phía trên cổng có bánh xe Chuyển Pháp Luân, bảng hiệu chùa bằng đá hoa cương tinh xảo: mặt trước ghi “Chùa Liên Hương”, mặt sau khắc “Quay đầu là bờ”. Hai bên ghi hai đức hạnh căn bản “Từ bi” và “Trí tuệ”. Trên cột có khắc bốn câu đối bằng thủ công tinh mỹ của nghệ nhân xứ Huế.
Cổ lầu Quan Âm được xây theo hình lục giác, gồm hai tầng mái cong uốn lượn, có rồng chầu hai bên mái, chính giữa đặt bảo tháp năm tầng rất cân đối. Bên trong lầu tôn trí tượng Quan Âm đứng uy nghi trên tòa sư tử, tượng cao 3m, bằng đá Non Nước Đà Nẵng, màu trắng đục. Sáu cột tròn vững chãi, mỗi cột chạm khắc một câu đối tinh xảo, hoành phi cùng câu đối đều sơn son thếp vàng lộng lẫy, toát lên vẻ trang nghiêm và chứa đựng tâm huyết của người kiến tạo.
Chánh điện được thiết kế theo kiểu "Thượng lầu hạ hiên", chiều ngang 14m, dài 15m, cao 8m, sử dụng vật liệu xi măng, cốt thép vững chắc. Phía trước lầu có hai tầng mái, đỉnh mái tôn trí tượng Phật Bổn Sư cao 2m đứng lộ thiên. Giữa hai tầng mái khắc bảng “Chùa Liên Hương”. Nhìn trực diện, Chánh điện gồm năm gian, mỗi gian có hoành phi khắc chữ Hán.
Nhà Tổ đặt phía sau Chánh điện, gian giữa thờ tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma và di ảnh của tổ khai sơn – Thầy Thiện Hương. Hai bên tường là bàn thờ hương linh nam và hương linh nữ.
Nhà Từ đường nằm sau Nhà Tổ, rộng 6m, dài 7m, cao 5m, được chia thành ba gian. Gian giữa thờ tượng Bổn Sư ngồi cao 1,7m – vốn là tượng được thờ tại Chánh điện cũ, giữ làm kỷ niệm. Gian bên phải thờ gia tộc Tổ khai sơn, gian bên trái thờ gia tộc tín chủ có công cúng dường kiến tạo ngôi chùa (Phật tử Tăng Phước Thành pháp danh Bửu Châu).
Sau thời gian trùng tu và kiến thiết, sáng ngày 18 tháng 8 năm 2019 (nhằm ngày 18/08 năm Kỷ Hợi), chùa Liên Hương long trọng tổ chức lễ Khánh thành, đánh dấu một cột mốc quan trọng trên hành trình kiến lập và phát triển của già lam thân thương nơi miền quê sông nước.
Tuy không sở hữu bề dày lịch sử hàng trăm năm như nhiều cổ tự khác, nhưng chùa Liên Hương vẫn là biểu tượng sống động của niềm tin, đạo tâm và sự kiên trì bền bỉ qua bao thế hệ, là điểm tựa tâm linh vững chắc cho những ai hữu duyên tìm về nẻo đạo.
"Già Lam chuông sớm vọng,
Trầm hương tỏa mây ngàn,
Liên hoa đài sáng rạng,
Phật tọa giữa không gian."
Một số ảnh tư liệu:
Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang
Chùa Liên Hương tọa lạc tại ấp 5, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Thầy Thích Thiện Chí đương nhiệm trụ trì.
Chùa Bửu Thắng tọa lạc tại ấp 5, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Hòa thượng Thích Huệ Thông đương nhiệm trụ trì và điều hành Phật sự.
Chùa Phước Bửu tọa lạc tại ấp Hòa Bình, xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Thượng tọa Thích Phước Minh đương nhiệm trụ trì.
Long Thiền Cổ Tự tọa lạc tại ấp Hòa Bình, xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Đại đức Thích Chơn Huệ đảm nhiệm chăm lo Tam bảo và điều hành Phật sự.
Chùa Bửu Long tọa lạc tại ấp Vạn Thành, xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Thượng tọa Thích Chơn Thiện đương nhiệm trụ trì.