H.Gò Công Đông: Lịch Sử Chùa Long Thiền (Chùa Cây Dầu)
Long Thiền Cổ Tự tọa lạc tại ấp Hòa Bình, xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Đại đức Thích Chơn Huệ đảm nhiệm chăm lo Tam bảo và điều hành Phật sự.
Thông báo
Chùa Long Thiền là ngôi Cổ tự có mặt trên vùng đất Gò Công này từ khoản cuối thế kỷ XVIII, do bà Trần Thị Sanh hiến cúng đất để thành lập Chùa thờ Phật, làm nơi nương tựa tâm linh cho đồng bào quanh vùng.
Bà Trần Thị Sanh là con thứ sáu của một danh gia vọng tộc ở xứ Gò Công. Bà được đời sau ca ngợi không chỉ ở việc giàu có mà vì bà là vợ thứ của Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Công Định.
Ban đầu nơi đây chỉ là một ngôi Chùa lá nhỏ. Đến năm 1812, nhận lời thỉnh cầu của bà Dương Thị Hương pháp danh Thanh Đăng và đồng bào Phật tử; tổ Đồng Đế, húy Đại Hội, thượng Chánh hạ Niệm mới đến đây chứng minh xây dựng thành ngôi đại Già lam và đặt hiệu là “Long Thoàn Bửu Tự”, về sau được đổi thành “Long Thiền Cổ Tự”.
Bà Dương Thị Hương là con gái riêng của bà Trần Thị Sanh, tức là nghĩa nữ của Anh hùng dân tộc Trương Công Định. Bà quy y Tam bảo với Hoà thượng Hải Hội - Chánh Niệm, được Hòa thượng ban pháp danh Thanh Đăng.
Với sự phát tâm tài trợ của bà Dương Thị Hương, chùa Long Thiền bấy giờ được cất trên khoảng đất rộng gần một mẫu (10.000m2), nền ốp đá xanh cao 1,2m gồm 9 nóc. Chánh điện, nhà Tổ, Đông Tây Lang, nhà thiền, nhà trù và nhà lẫm lúa có diện tích hơn 2.000m2. Trong chùa có hàng cây đại thọ (gồm các loại cây Dầu, cây Sao, …) cùng tường rào bao quanh, vì vậy chùa còn có tên gọi là “Chùa Cây Dầu”. Từ đó, chùa Long Thiền trở thành ngôi Đại Tòng lâm tráng lệ, thờ Phật, thờ Tổ, đào tạo các bậc Tăng tài, hoằng truyền chánh pháp.
Trải qua nhiều đời trụ trì và cố Thượng tọa Thích Nhựt Tánh, tự Chơn Ngộ đã được xuất gia nơi đây lúc còn thơ ấu. Về sau Thượng tọa đã kế vị trụ trì thay Thầy tổ đời trước ra sức chăm sóc, giữ gìn ngôi Tam Bảo. Nhưng luật vô thường biến đổi, hữu hình tất hoại. Đến năm 1946 vì chiến tranh tiêu thổ, chùa Long Thiền bị thiêu hủy còn lại 2 nóc, 15 căn là nhà trù, nhà thiền, và nhà lẫm lúa. Phật cốt phải dời xuống nhà lẫm lúa để thờ, nhà này làm bằng cây dầu, thời gian gần 200 năm nên mối mọt hư mục, xuống cấp trầm trọng; sau khi nước nhà độc lập, Thượng tọa Thích Thiện Tánh phải cho dỡ bớt 5 căn nhà để dồn cây cất lại mới có nơi thờ cúng và sinh hoạt an toàn.
Để báo ân Tổ thầy, mong giữ gìn di tích cũ xưa, hơn 30 năm trụ trì chốn Tổ, Thượng tọa Thích Nhựt Tánh đã luôn ra sức tôn tạo, khai phá đất địa hoang lâm trồng trọt thu huê lợi chắt chiu dành dụm. Đến năm 1997, Thượng tọa xây cất lại ngôi Chánh điện cùng nhà Tổ chùa Long Thiền trên diện tích gần 400 mét vuông bằng chất liệu bê tông cốt thép khang trang để thờ phụng và làm nơi tu tập cho đạo tràng; các hạn mục khác của Chùa trước đây vẫn còn hư hoại, chưa được tôn tạo.
Nhưng rồi do tuổi cao sức yếu, công việc trùng tu chưa hoàn thành như nguyện thì Thượng tọa đã viên tịch vào ngày 11 tháng 07 âm lịch năm 2013.
Sau khi Thượng tọa Thích Thiện Tánh viên tịch, đệ tử cùa Ngài là Đại đức Thích Chơn Huệ kế thừa chăm lo Tam bảo và tiếp tục từng bước hoàn thiện công việc trùng tu, xây dựng cho đến nay.
Ngày nay chùa Long Thiền cũng còn lưu giữ nhiều pho tượng Phật bằng gỗ có từ thời kỳ đầu mới thành lập tự. Ttrước đây, trong quá trình trùng tu, xây dựng, Thượng tọa Thích Thiện Tánh đã cố gắng phục chế lại các bao lam, liễn đối rất đẹp. Đặc biệt trong khuôn viên chùa có ngôi mộ tháp hình bát lăng được đánh giá là ngôi mộ tháp đẹp nhất ở miền Nam.
Đây là ngôi mộ của bà Dương Thị Hương (tức Phật tử Thanh Đăng), do có quan hệ thân thiết giữa gia đình và bổn tự Long Thiền nên bà Dương Thị Hương xin lập mộ ở vườn chùa khi còn tại thế.
Những dòng chữ khắc trên mộ biểu – cột trụ trung tâm của ngôi mộ ghi lại cho biết đây là mộ của bà Dương Thị Hương (pháp danh Thanh Đăng, tự Diệu Quang), thọ 90 tuổi. Bà sinh năm 1844 (Giáp Thìn niên, thất nguyệt, thập lục nhật kiết thời sanh) và mãn phần vào năm 1933 (Quý Dậu niên, thập nguyệt, thập bát nhật, tý thời khứ). Các thông tin này cho chúng ta biết ngôi mộ – tháp là sản phẩm được tạo tác vào những năm đầu thế kỷ, trước năm 1933.
Hơn 200 năm trôi qua, sau những biến thiên của năm tháng, chùa Long Thiền ngày nay vẫn giữ được vai trò làm chổ dựa tâm linh tu học cho đồng bào Phật tử và người yêu mến Phật pháp tại địa phương. Chư Tăng bổn tự cũng luôn cố gắng giữ gìn và từng bước hưng khởi đạo tràng theo kịp với sự phát triển chung của đất nước.
Một số ảnh tư liệu:
Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang
Long Thiền Cổ Tự tọa lạc tại ấp Hòa Bình, xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Đại đức Thích Chơn Huệ đảm nhiệm chăm lo Tam bảo và điều hành Phật sự.
Chùa Bửu Long tọa lạc tại ấp Vạn Thành, xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Thượng tọa Thích Chơn Thiện đương nhiệm trụ trì.
Chùa Phổ Môn còn được gọi là “Chùa Ao Sen”, nằm dọc theo huyện lộ 05, thuộc ấp Thạnh Hòa, xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Thượng tọa Thích Minh Sơn đương nhiệm trụ trì và điều hành Phật sự.
Chùa Thiên Ân tọa lạc tại số 287, ấp Ruộng Cạn, xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Đại đức Thích Nguyên Lộc đương nhiệm trụ trì.
Chùa Linh Phước tọa lạc tại ấp Cầu Bà Trà, xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Đại đức Thích Thiện Trí đảm nhiệm điều hành Phật sự.