Quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo Tiền Giang
Ban Biên tập -
24/07/2024
Giới thiệu sơ lược về quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo tỉnh Tiền Giang.
I.BỐI CẢNH CHUNG
Trong quá trình có mặt, tồn tại và
phát triển gần 2000 năm trên đất nước Việt Nam thân yêu, Phật giáo Việt Nam đã
sớm hài hòa, gắn bó với dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử, dù cho ở bất kì
hoàn cảnh nào, Phật giáo Việt Nam vẫn luôn đóng góp tích cực vào công cuộc bảo
vệ hòa bình, độc lập dân tộc.
Trong từng thời kỳ lịch sử, dù tên gọi
Phật Giáo Việt Nam có khác nhưng sự nghiệp chủ yếu của Phật giáo Việt Nam vẫn
là hoằng dương chánh pháp, làm lợi lạc nhân sanh. Trước khi nước nhà thống nhất,
Phật giáo Việt Nam do hoàn cảnh khách quan nên còn nhiều hoạt động riêng lẽ
theo từng tông phong, hệ phái, dó đó sự thống nhất, kế thừa còn nhiều hạn chế.
Đến khi nước nhà được độc lập, giang sơn nối liền một cõi, đó cũng là bối cảnh
vô cùng thuận lợi, là động lực to lớn để chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử các hệ
phái thực hiện nguyện vọng thống nhất Phật giáo tạo thành sức mạnh đoàn kết và
thuận duyên hơn trên bước đường hoằng pháp lợi sanh. Đó cũng là quy luật tất yếu
khách quan vậy.
Phật giáo Tiền Giang cũng không nằm
ngoài quy luật đó. Ngay từ thời Chúa Nguyễn, đất Tiền Giang là một vùng mới được
khai cơ lập nghiệp, chùa, đình nơi này không được xây dựng nhiều lắm. Về tín
ngưỡng hầu như người dân chỉ đi theo truyền thống tín ngưỡng dân gian. Đạo Phật
bấy giờ chỉ được lưu truyền theo từng nhóm, từng hệ phái do các vị danh Tăng truyền
bá và hướng dẫn đơn lẽ.
II.QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH:
Những thập niên 1970 Phật giáo Tiền
Giang sinh hoạt dưới sự lãnh đạo của Giáo hội Lục Hòa. Đến 30/04/1975 đất nước
ta hoàn toàn giải phóng, giang sơn nối liền một dãi. Sau sự kiện trọng đại này của
cả dân tộc, các đoàn thể, tổ chức trong nước lần lượt họp bàn để củng cố, ổn định
mọi mặt cùng Chính quyền phát triển đất nước. Hòa chung xu thế đó, Phật giáo
cũng đã tiến hành vận động thống nhất các tổ chức Phật giáo còn riêng lẻ trên mọi
miền. Những biến cố, thăng trầm của lịch sử dân tộc qua các cuộc kháng chiến Chống
Pháp, Nhật, Mỹ .v.v. đã đưa Phật giáo chia thành từng mảnh nhỏ. Sau khi đất nước
được độc lập, chính là lúc phù hợp nhất để Phật giáo thống nhất lại với nhau về
cùng một hướng. Hơn một năm được Nhà nước cho thành lập Ban vận động Thống nhất
Phật giáo, chín phái đoàn thuộc các Giáo hội đã cùng nhau ngồi lại hội nghị.
Tháng 11 năm 1981 qua 5 ngày làm việc
tại Thủ đô Hà Nội, Giáo hội đã tổ chức Đại hội Phật giáo lần đầu tiên thành công,
do Hòa thượng Thích Trí Thủ đứng đầu, kết quả cho ra đời Giáo Hội Phật Giáo Việt
Nam có đầy đủ Hiến chương, Nội quy hoạt động, được Nhà nước công nhận. Điều
đáng mừng nhất đây chính là niềm tự hào chung của dân tộc Việt Nam. “Trong gần hai ngàn năm hiện diện trên đất nước Việt Nam, hòa
mình cùng dân tộc, đạo Phật đã trở thành một tôn giáo của dân tộc. Với truyền thống
yêu nước, suốt chiều dài dựng nước và giữ nước từ ngàn xưa cho đến ngày nay,
Phật giáo Việt Nam bao giờ cũng là thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân
tộc. Nguyện vọng thống nhất Phật giáo Việt Nam đã thực hiện từ lâu nhưng chưa
được trọn vẹn”[1].
Giáo hội Phật giáo Việt Nam được
thành lập với ý nghĩa và tinh thần đoàn kết, thống nhất xây dựng một ngôi nhà
chung của dân tộc mà Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nêu: “Sự thống nhất Phật giáo Việt Nam xây dựng trên nguyên tắc: Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức. Đồng
thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống Hệ phái, cũng như các pháp môn
và phương tiện tu hành đúng chính pháp”[2].
Đối với Phật giáo thì đây chính là thời điểm
quan trọng nhất cần phải có cái nhìn thấu đáo và khoa học để xây dựng một tôn
giáo chung của dân tộc Việt Nam đúng như nguyện vọng và tâm huyết.
Trong Đại hội Phật giáo toàn quốc lần
thứ nhất thành công, tại Tiền Giang cũng đã có 4 vị Hòa thượng tham gia vào
thành viên Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự Trung ương: Hòa thượng Thích
Pháp Tràng, Hòa thượng Thích Đạt Hương, Hòa thượng Thích Hoằng Thông, Hòa thượng
Thích Nguyên Thạnh. Sau Đại hội, Trung ương đã phân công cho bốn vị Hòa thượng
về Tiền Giang lo công việc vận động để thành lập Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tiền
Giang và tuyên truyền kết quả của Đại hội Phật giáo toàn quốc.
Tuy nhiên, truyền thống xưa nay Phật
giáo Tiền Giang đang hoạt động dưới hình thức Giáo hội Lục Hòa, cho nên một số
ý kiến và quan điểm chưa được thống nhất nên không thể tiến hành Đại hội tỉnh
sau đó được. Đến năm 1984, Hòa thượng Pháp Tràng viên tịch, Mặt trận Tổ quốc tỉnh
Tiền Giang đã mời Hòa thượng Thích Huệ Thông về bổ xung vào Ban vận động Thống
nhất Phật giáo tỉnh Tiền Giang, được Trung ương Giáo hội chấp nhận. Ngày
24/04/1984 Hòa thượng về Trụ trì chùa Bửu Lâm, thành phố Mỹ Tho và bắt đầu cuộc
vận động thống nhất Phật giáo tỉnh Tiền Giang.
Ngày mùng 08 – 09/01/1985 tại Tổ đình
Vĩnh Tràng, Đại hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang chính thức được khai mạc. Thành
phần tham dự gồm đại diện Trung ương Giáo hội và lãnh đạo các cấp, các ngành Tỉnh, thành phố Mỹ Tho. Đại biểu Tăng Ni và Phật tử trong tỉnh về dự khoản 150 đại biểu,
Đại hội đã thông qua Hiến chương, Nội quy sinh hoạt của Trung ương Giáo hội và
đã thành công suy cử Ban chứng minh, Thành viên Ban Trị sự và Thường trực Ban Trị sự nhiệm kỳ đầu tiên để điều hành và hoạt động Phật sự.
Từ sau khi chính thức được thành lập,
Ban Trị sự Phật giáo Tiền Giang đã tổ chức thành công các cuộc Đại hội nhằm mục
đích củng cố nhân sự để phát triển Phật giáo tỉnh nhà. Tiền Giang đã trãi qua
các kỳ Đại hội như sau:
+ Đại hội lần thứ nhất: 1985 – 1987 HT.Thích Bửu Thông làm Trưởng ban Trị sự. Ban Chứng minh gồm 08 vị; Ban Trị sự
21 vị.
+ Đại hội lần thứ hai: 1988 – 1991 HT.Thích Bửu Thông làm Trưởng ban Trị sự. Ban Chứng minh gồm 03 vị; Ban Trị sự
có 21 vị.
+ Đại hội lần thứ ba: 1991 – 1993 HT.Thích Nguyên Thạnh làm Trưởng ban Trị sự. Ban Chứng minh có 05 vị; Ban Trị sự có
26 vị.
+ Đại hội lần thứ tư: 1994 – 1997 HT.Thích Huệ Thông làm Trưởng ban Trị sự. Ban Chứng minh có 05 vị; Ban Trị sự có 30 vị.
+ Đại hội lần thứ năm: 1998 – 2002 HT.Thích Huệ Thông làm Trưởng ban Trị sự. Ban Chứng minh có 06 vị; Ban Trị sự có 30 vị.
+ Đại hội lần thứ sáu: 2002 – 2007 HT.Thích Huệ Minh làm Trưởng ban Trị sự. Ban Chứng minh có 06 vị; Ban Trị sự có 33 vị.
+ Đại hội lần thứ bảy: 2007 – 2012
HT.Thích Huệ Minh làm Trưởng ban Trị sự. Ban Chứng minh có 11 vị. Ban Trị sự
có 37 vị.
+ Đại hội lần thứ tám: 2012 – 2017 HT.Thích Huệ Minh làm Trưởng ban Trị sự. Ban Chứng minh có 06 vị; Ban Trị sự có 59
vị.
+ Đại hội lần thứ chín: 2017 – 2022
HT.Thích Huệ Minh làm Trưởng ban Trị sự. Ban Chứng minh có 07 vị; Ban Trị sự có
57 vị.
+ Đại hội lần thứ mười: 2022 – 2027
TT.Thích Quảng Lộc làm Trưởng ban Trị sự. Ban Chứng minh có 06 vị; Ban Trị sự
có 63 vị.
Sau các kỳ Đại hội Phật giáo tỉnh Tiền
Giang, dưới sự lãnh đạo của chư tôn giáo phẩm đứng đầu là các bậc tôn túc, đầy
đủ đạo hạnh có đức phục chúng sanh và tâm huyết phát triển chung ngôi nhà Giáo
hội, cho nên Phật giáo Tiền Giang trải qua nhiều nhiệm kỳ và đã thành tựu những
Phật sự vô cùng to lớn, phù hợp với chủ trương của Giáo hội và pháp luật Nhà nước
nhất là đi kịp xu thế phát triển đất nước.
Có thể nói rằng sau khi Phật giáo cả
nước thống nhất thành lập được Giáo hội chung, đây là một sự kiện
đổi mới và cũng là thành công lớn nhất của Phật giáo trong lịch sử 2000 năm
qua.
Đối với Phật giáo Tiền Giang, sự đổi
mới và phát triển này cũng cho chúng ta thấy được rất rõ ràng qua thành quả hoạt
động Phật sự của từng nhiệm kỳ Giáo hội.
III. CÁC HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ VÀ THÀNH QUẢ ĐẠT ĐƯỢC CỦA GHPGVN TỈNH TIỀN GIANG
A.
VỀ MẶT TỔ CHỨC
- Từng bước kiện toàn nhân sự, cơ cấu
các Tiểu Ban trực thuộc BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang. Trong nhiệm kỳ hiện tại
BTS Phật giáo tỉnh đã có 11 Tiểu Ban hoạt động đều đặn: Ban Tăng Sự, Ban Giáo Dục Phật Giáo, Ban Hoằng Pháp, Ban Hướng Dẫn Phật Tử, Ban Nghi Lễ, Ban Kinh Tế Tài Chánh,
Ban Từ Thiện Xã Hội, Ban Pháp Chế, Ban Kiểm Soát, Ban Văn Hóa, Ban Thông Tin
Truyền Thông.
- Thực hiện nghị quyết các kỳ Hội nghị
thường niên. Dựa trên sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương Giáo hội, BTS GHPGVN tỉnh
đã ban hành các văn bản, văn kiện, lập kế hoạch liên quan đến việc tổ chức các
cuộc Đại Lễ như Phật Đản; An cư Kiết hạ; Tổ chức Đại Hội cấp huyện, thị; Tổ chức Đại
giới đàn; Tổ chức kỷ niệm chư tiền bối Tổ sư; Tổ chức các khóa Bồi dưỡng Trụ trì.
Ngoài ra, BTS xắp xếp Tăng Ni trong tỉnh hưởng ứng và tham
gia các lớp huấn luyện bồi dưỡng kiến thức quốc phòng .v.v. do các cấp Chính
quyền tổ chức.
- Xây dựng trụ sở Văn phòng Ban Trị Sự
- chùa Vĩnh Tràng, ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho khang trang, sạch đẹp.
- Kiện toàn việc cơ cấu tổ chức BTS Phạt giáo các huyện thị, xây dựng trụ sở BTS Phật giáo cấp huyện. Đến nay đã có đủ 11 BTS Phật giáo trên
11 huyện thị thành trong toàn tỉnh. Nhiều BTS Phật giáo huyện hoạt động rất mạnh mẽ
mang lại lợi ích rất thiết thực cho xã hội.
- Hoàn thành công tác khắc dấu cho các
Tiểu Ban trực thuộc, BTS Phật giáo các huyện thị thành và các tự viện trong toàn tỉnh.
B. HOẠT ĐỘNG CHUYÊN NGÀNH:
1.
Ngành Tăng sự:
- Ban Tăng Sự là một ngành trọng yếu
trong hệ thống tổ chức Giáo hội, là một trong 11 ban chuyên ngành trực thuộc
Ban Trị Sự, hoạt động của ngành Tăng Sự
đã góp phần ổn định sinh hoạt nội bộ của Ban Trị Sự, giám sát việc tu học
của Tăng Ni, quản lý Tự viện, tạo sự đoàn kết giữa các Hệ phái Phật giáo, tổ chức
những đợt sinh hoạt học tập Hiến chương và Nội quy Tăng sự trong các khóa An cư
Kiết hạ, tổ chức các khóa Bồi Dưỡng Trụ Trì, đã góp phần tăng trưởng đạo tâm,
trang nghiêm Giáo hội, từ việc thống kê Tự viện, quản lý Tăng Ni, đến việc cho
phép xuất gia, trùng tu Tự viện, An cư Kiết hạ, cho đến việc mở Đại Giới Đàn,
giúp đỡ nhiều Tăng Ni tấn tu đạo nghiệp, xét chọn đề nghị Bổ nhiệm Trụ trì, Tấn phong Giáo phẩm cho những Tăng Ni có đạo hạnh tiêu biểu, cũng như chọn lựa những
Tăng Ni có tinh thần yêu nước, đóng góp nhiều công sức trong việc phục vụ Đạo
Pháp vào các cơ quan dân cử, đại diện Tăng Ni nêu lên những nguyện vọng chính
đáng cho giới Phật giáo cũng như Xã hội, nhiều ý kiến chính đáng đã được Đảng
và Nhà Nước quan tâm giúp đỡ, dù còn nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết
vấn đề Tăng sự, nhưng với tinh thần làm việc cao độ và trách nhiệm, Ban Tăng Sự
đã ổn định được đời sống tu học của Tăng Ni, đồng thời cũng tháo gỡ những vướng
mắc trong sinh hoạt tu học của Tăng Ni, làm tăng thêm sự tin tưởng của Tăng Ni
vào Giáo hội.
- Từ ngày thành lập đến nay (2024) Ban
Tăng sự mở được 09 Đại Giới Đàn, truyền trao giới pháp cho hơn 2.600 giới tử.
- Ngành Tăng sự cũng đã lựa chọn chư
tôn đức Tăng ni tiêu biểu tham gia: Hội đồng nhân dân, Ủy viên UB MTTQ VN các cấp,
tham gia các đoàn thể.
- Sau Đại Hội nhiệm kỳ VI, thể theo
tinh thần chung của Trung ương Giáo hội, Ban Tăng Sự cũng đã tạo điều kiện cho
Ni giới tỉnh Tiền Giang thành lập Phân ban Ni giới trực thuộc Ban Tăng sự Phật
giáo tỉnh. Từ đó đến nay, Ni giới tỉnh Tiền Giang hoạt động có quy củ và đạt hiệu
quả hơn.
Trong toàn tỉnh hiện có
423 ngôi tự viện, 1,264 Tăng Ni (Tăng 704 vị, Ni 560 vị) chia ra 11 huyện như
sau:
- TP.Mỹ Tho 55 ngôi, 229
Tăng Ni;
- Huyện Châu Thành 68
ngôi, 187 Tăng Ni;
- Huyện Chợ Gạo 49 ngôi,
91 Tăng Ni;
- Huyện Cái Bè 63 ngôi,
172 Tăng Ni;
- Huyện Tân Phước 8 ngôi,
76 Tăng Ni;
- Huyện Tân phú Đông 6
ngôi, 15 Tăng Ni;
- Huyện Gò Công Đông 32
ngôi, 78 Tăng Ni;
- Huyện Gò Công Tây 32
ngôi, 78 Tăng Ni;
- TP.Gò Công 23 ngôi, 73
Tăng Ni;
- Huyện Cai Lậy 49 ngôi,
135 Tặng Ni;
- TX.Cai Lậy 35 ngôi, 114
Tăng Ni.
Nhìn chung, trên địa bàn tỉnh Tiền
Giang các tự viện được trùng tu, xây dựng mới trên 80%, đặc biệt được sự cho
phép của chính phủ nước Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Thiền phái Trúc Lâm
đã xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác tại huyện Tân Phước, tạo thêm một cơ
sở tôn giáo tâm linh đặc thù của dân tộc Việt Nam.
2. Giáo dục Phật giáo:
Với mục tiêu đào tạo đội ngũ Tăng Ni
Trẻ có trình độ kiến thức toàn diện về Phật học lẫn Thế học, để tiếp tục truyền
trì mạng mạch Phật Pháp, đủ sức kế thừa và phát huy sự nghgiash"Hoằng Pháp Lợi
Sanh", do đó, ngay từ khi thành lập, chư tôn đức đã chú trọng đến việc xây dựng một
hệ thống Giáo dục và Đào tạo theo định hướng mà Trung ương Giáo hội đặt mục
tiêu: “Đào tạo lớp Tăng Ni trẻ vừa có trình độ Phật học cao, vừa có Tri thức
Khoa học để kế thừa đạo mạch của Như Lai, nhằm đảm bảo được các Phật sự trong
nước và tham gia các hoạt động Quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, đó là
mục tiêu duy nhất của công tác Giáo dục Phật giáo.
Trường Trung cấp Phật học tỉnh Tiền
Giang được thành lập năm 1990, cho đến nay đã đào tạo được 09 khóa với tổng số trên
1.000 Tăng Ni sinh tốt nghiệp. Sau khi Tốt nghiệp Trung cấp, phần nhiều các
Tăng Ni sinh tỉnh Tiền Giang tiếp tục thegiasov tại các Học viện, các Lớp Cao đẳng
Phật học, Cao Trung cấp Giảng sư và làm nghiên cứu sinh trong và ngoài nước.
Một số Tăng Ni sinh sau khi đã hoàn tất
các khóa học, tham gia hoạt động trong Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự Phật giáo
các cấp cũng như trở về trường tham gia giảng dạy các thế hệ Tăng Ni sinh hậu học.
Năm 2017, Trường Trung cấp Phật học
Tiền Giang đã mở thêm hệ đạo tạo Cao đẳng Phật học và là một trong 03 trường
trên cả nước được Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh ký kết đào tạo
liên thông. Đến nay nhà trường đang đào tạo hệ Cao đẳng khóa VI, Trung cấp khóa IX.
3. Hoằng pháp:
Thực
hiện mục tiêu “hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài” của người xuất gia,
Ban Hoằng pháp tỉnh hội đã tổ chức thành công hàng ngàn thời thuyết giảng tại
các đạo tràng, có khoảng trên 300 ngàn lượt người tham dự thính pháp. Ngoài ra,
các mùa An cư hàng năm, Ban Hoằng pháp cũng đã phân công giảng sư phụ trách tại
các trường hạ. Cử đại diện cho Ban Hoằng pháp tỉnh tham dự các kỳ tập huấn
nghiệp vụ hoằng pháp do Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội tổ chức.
4. Nghi lễ:
Thực hiện sự chỉ đạo của Giáo hội, Ban Nghi Lễ tổ chức trang nghiêm các Đại lễ như: Phật Đản, Vu Lan, Húy kị chư tôn đức
tiền bối, Tang lễ các bậc Giáo phẩm, v.v… Thông qua đó tạo nét trang nghiêm, hướng
dẫn cho Phật tử phong cách sinh hoạt tín ngưỡng đúng chánh pháp, đẩy lùi các hoạt
động mê tín dị đoan, tích cực góp phần làm trong sáng giáo lý Phật Đà.
5. Văn hóa:
Trách nhiệm của Ban Văn hóa Phật Giáo
Tỉnh là luôn luôn phát huy đức tin trong sáng của Đạo Phật trong Tăng Ni và Phật
tử, cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của Phật giáo, thường xuyên động
viên, hướng dẫn Phật tử tích cực bài trừ, đẩy lùi các hình thức mê tín dị đoan
như việc đốt vàng mả, lầu kho, xin xăm, bói toán, soi căn v.v… Bằng phương tiện
thông tin báo chí, đưa giáo lý đạo Phật thâm nhập vào trong cộng đồng xã hội.
Trong các nhiệm kỳ, Ban Văn Hóa đã tập
hợp các hình ảnh hoạt động Phật sự của các BTS và các Ban Ngành để triển lãm
trong những ngày lễ lớn như: Đại Lễ Phật Đản, Đại Hội Phật Giáo Tỉnh v.v…cũng
như phát hành tuần báo giác ngộ, nguyệt san giác ngộ, tập san văn hóa Phật
giáo, tạp chí nghiên cứu Phật học, Đạo Phật ngày nay v.v…để phổ biến giáo lý đến
cộng đồng Tăng Ni và Phật tử.
Động viên các tự viện tích cực tham
gia chương trình xây dựng Cơ sở Thờ tự Văn hóa ở khu dân cư, trùng tu hoặc xây
dựng mới các tự viện, nên lưu tâm bảo tồn văn hóa Phật giáo và bản sắc văn hóa
dân tộc Việt.
6. Hướng dẫn Phật tử:
Việc hướng dẫn Phật tử tu hành đúng
chánh pháp là trách nhiệm của hàng xuất gia, hiện nay Giáo hội rất quan tâm về
lĩnh vực này, vì đoàn thể Phật tử là nhân tố đắc lực, tích cực hỗ trợ nhiều mặt
công tác của Giáo hội. Vai trò tích cực của hàng Phật tử trong việc Hộ trì Tam
Bảo là rất quan trọng như, nên Giáo hội đã có phương án hoạt động của ngành Hướng dẫn Cư sĩ Phật tử, mọi hoạt động của Phật tử phải theo đúng Chánh pháp và Chủ
trương của Giáo hội, đặc biệt là chú trọng đến vấn đề giảng dạy cho Phật tử hiểu
rõ thế nào là tu hành đúng chánh pháp có lợi ích cho bản thân và gia đình, đồng
thời chỉ rõ sự mê tín dị đoan có hại cho bản thân, gia đình cũng như xã hội,
khuyến khích tham gia các phong trào ích nước lợi dân do chính quyền và đoàn thể
phát động, nhất là những công trình phúc lợi tại địa phương, đoàn kết xây dựng
cuộc sống mới ở khu dân cư, phòng chống các tệ nạn xã hội, góp phần cùng nhà nước
giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.
Tỉnh Tiền Giang, số lượng Phật tử rất
đông, ở các tự viện, Phật tử vẫn sinh hoạt thuần túy theo sự
hướng dẫn của vị Trụ trì, có nơi tu học Bát Quan Trai, tụng Kinh Pháp Hoa, trì
Chú Đại Bi, Niệm Phật, có nơi tổ chức Phật Thất, sinh hoạt giáo lý, thuyết giảng
định kỳ v.v… Theo số lượng thống kê hiện nay trong toàn tỉnh có 152 đạo tràng Phật
tử tu học ổn định.
7. Từ thiện xã hội:
Thể
hiện tinh thần từ bi cứu khổ là mục tiêu và cũng là nhiệm vụ cao cả của người
đệ tử Phật. Đặc biệt thực hiện lời Phật dạy “Phục vụ chúng sanh tức thiết thực
cúng dường chư Phật” Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang đã vận động Tăng Ni và
Phật tử ngoài việc tu hành đúng chánh pháp còn thể hiện tinh thần đem đạo vào
đời, tham gia tích cực vào các phong trào do MTTQ phát động như:
-
Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng.
-
Xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương.
-
Tham gia các công trình phúc lợi tại địa phương.
-
Thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách.
-
Thăm và tặng quà cho các nạn nhân Da Cam, Người Khuyết tật.
-
Khám bệnh phát thuốc, phát quà cho người nghèo.
-
Ủng hộ thiên tai trong và ngoài nước.
-
Ủng hộ học bổng, đồng phục cho học sinh nghèo hiếu học.
-
Thành lập trường nuôi dạy trẻ em nghèo hoàn toàn miễn phí
-
Thành lập các phòng trị liệu dân tộc và bóc thuốc cho bà con.
-
Ủng hộ áo quan cho người nghèo khi qua đời.
Tổng
giá trị qua các nhiệm kỳ của Ban Trị Sự đạt hàng trăm tỷ đồng.
8. Kinh tế - tài chánh:
Tài chánh là nguồn lực chủ yếu cho mọi
hoạt động của Ban Trị Sự, thực hiện chủ trương của Giáo hội, mỗi Tự viện tùy
theo điều kiện kinh tế và hoàn cảnh khác nhau mà làm kinh tế tự túc. Kêu gọi sự đóng góp của Tăng Ni
trong tỉnh về niên liễm hàng năm của Giáo hội, tất cả Tăng Ni đều thực hiện tốt
tinh thần này. Tuy đến nay vẫn chưa có mô hình nhất định
cho việc tạo kinh tế tự túc của mỗi tự viện. Nhưng Tăng Ni điều có ý thức tự
giác cao, trong việc chấp hành chủ trương của Giáo hội, hằng năm đều có phát tâm
công đức phí cho Giáo hội, đúng theo qui định của Ban Kinh tế Tài chánh Trung ương.
9.
Kiểm soát:
Với trách nhiệm là cơ quan chuyên
môn, Ban Kiểm soát tham gia thảo luận, thông qua các chương trình hoạt động Phật
sự của Ban Trị sự và tư vấn mọi hoạt động Phật sự theo quy định của Hiến chương
GHPGVN, Pháp luật Nhà nước, các Nghị quyết, Chương trình hoạt động Phật sự của
Giáo hội đề ra. Giúp cho BTS hoạt động ngày càng hiệu quả.
10. Ban Pháp Chế:
Ban Pháp chế là Cơ quan
chuyên môn, có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn là tham mưu trực tiếp cho Ban
Thường trực Ban Trị sự; Tham mưu chính xác trong chuyên môn, bảo đảm sự hài
hòa, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của tăng ni theo quy định của Hiến chương
GHPGVN, trên tinh thần hòa hợp, đoàn kết, dân chủ, bình đẳng, tập thể thảo luận
và biểu quyết thông qua.
11. Thông tin truyền thông:
Thu thập, tổng hợp các
thông tin liên quan đến Giáo hội. Hộ trì Chánh pháp, bảo vệ Giáo hội. Kiểm soát
và loại bỏ các thông tin truyền thông không chính thống, thông tin bôi nhọ, làm
xấu hình ảnh của Giáo hội Phật giáo tỉnh nhà, của chư Tăng Ni, Phật tử và làm
sai lệch giáo lý, tôn chỉ của đạo Phật;
Đảm bảo mọi thông tin
của Giáo hội ra bên ngoài, trên phương tiện truyền thông là thống nhất và phản
ánh đúng, đầy đủ, trung thực ý chí của Giáo hội.
Tổ chức xây dựng, quản
lý, vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin, hệ thống cổng thông tin điện tử
của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang.
Cập nhật lại lịch sử
toàn bộ hệ thống tự viện trên toàn tỉnh.
12. Ban Quản trị Tổ đình Vĩnh Tràng:
Tổ đình Vĩnh Tràng là
ngôi cổ tự có bề dày gần 200 năm, mang lối kiến trúc hài hòa giữa các nền văn
hóa Âu – Á; Là ngôi tự viện đặc trưng của Phật giáo miền Tây Nam Bộ. Từ khi
thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang, chư Tôn đức đã chọn nơi
đây làm Văn phòng của Phật giáo Tỉnh hội. Vì vậy, Ban Quản trị Tổ đình Vĩnh
Tràng, với sự điều hành trực tiếp của vị Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tiền
Giang, hàng năm đều có phương án trùng tu, bảo tồn di tích lịch sử cấp Quốc
gia. Ban Quản trị cũng cho xây dựng những công trình phục vụ tâm linh và Phật
sự của Giáo hội.
IV. KẾT LUẬN
Đoàn
kết chung lòng là nền tảng quan trọng làm nên sự thành công của một tổ chức,
một tập thể. Thành tựu về mọi mặt công tác của Giáo hội Phật giáo tỉnh Tiền
Giang trong thời gian qua là một dấu hiệu nói lên tinh thần đoàn kết sâu sắc
của tất cả Tăng Ni trong toàn tỉnh. Trí tuệ, tinh thần và niềm tin ấy là của
tất cả các thành viên trong Giáo hội dựa trên sự chỉ đạo tận tình của Trung
ương Giáo hội và sự hỗ trợ tích cực của lãnh đạo Chính quyền các cấp, các ngành.
Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu ấy vẫn còn tồn động một số vấn đề cần được
tiếp tục thực hiện.
Giáo hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang trải
qua 10 nhiệm kỳ, sự phát triển không ngừng của Phật giáo tỉnh nhà giúp chúng ta
thêm phần phấn khởi. Nhìn lại từng nhiệm kỳ của Phật giáo Tiền Giang, mỗi nhiệm
kỳ đều có điểm đặc trưng riêng biệt, thành quả lúc nào cũng tăng trưởng. Nhưng
dù sau đi nữa thì Phật giáo Tiền Giang còn
phải đối diện với nhiều thách thức lớn trong thời đại mới. Xã hội phát triển,
trí tuệ và niềm tin tôn giáo cũng cần được cải thiện sao cho phù hợp, nền tảng
đạo đức luôn luôn lúc nào cũng phải được đưa lên hàng đầu. Đồng thời đòi hỏi chư
Tăng Ni phải luôn quán triệt đường lối chủ trương chính sách của Giáo hội và pháp
luật của Nhà nước trên bước đường hoằng pháp lợi sanh mới không bị sai lệch.
Thành quả tốt đẹp của Phật giáo tỉnh
nhà đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định xã hội, xây dựng kinh tế và khẳn định
niềm tin của Phật giáo với các cấp lãnh đạo.
Tiếp nối tinh thần hòa hợp, đoàn kết
trong lòng dân tộc và sự lãnh đạo sáng suốt của chư tôn đức trong Ban Trị sự, sự
hỗ trợ nhiệt tình của các cơ quan chức năng. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh
Tiền Giang tiếp tục phát huy nhiều hơn nữa dựa trên các thành quả tiền đề đã đạt
được để thể hiện ngày càng cao tinh thần từ bi, bình đẳng của đức Phật vào cuộc
sống, kết thành những tràng hoa tươi thắm góp phần cùng dân tộc Việt Nam tiến bước
trên con đường hòa bình, thịnh vượng.
[1]Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
[2]Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.