TX.Cai Lậy: Lịch Sử Chùa Nhơn An

Ban Biên Tập - 10/11/2024

Chùa Nhơn An tọa lạc tại ấp 5, xã Tân Bình, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Ni sư Thích Nữ Hồng Liên đương nhiệm trụ trì.

Theo lời kể của chư vị tiền bối cao niên tại địa phương cho biết chùa Nhơn An trước kia có tên gọi là "Chùa Tứ Sanh" với lý do như sau: Vào khoảng năm 1802 - 1810 lúc vua Gia Long và binh lính chạy vào phía Nam có ghé qua vùng đất nầy. Bấy giờ có một số binh lính bị chết trận và được chôn cất ở gần đây (những mồ mã này ngày nay đã bị thất lạc).

Khu vực đất chùa xưa kia hoang phế, cây cối um tùm, dân cư thưa thớt, có nhiều cây cổ thụ. Giữa trưa hay chập tối người dân hay nghe tiếng con nít khóc quanh những rậm cây, các Mục đồng thả trâu thường hay bị mất trộm. Những lúc nhàn rỗi các Mục đồng thường lấy đất sét nặn thành những tượng đất để dưới gốc cây. Sau đó dân chúng thấy khu đất này linh thiêng nên lập thành ngôi miếu thờ “Tứ sanh Lục đạo”, đó là vào khoảng những năm 1820 -1830. Từ khi ngôi Miếu được thành lập, tiếng khóc trẻ con và nạn trộm cắp trâu bò cũng giảm dần. Những tượng Phật bằng đất sét thuở đó ngày nay đã được đắp xi măng bên ngoài và còn an trí tại Chánh điện.

Tiếng đồn ngôi miếu linh thiêng nên nhiều người có bệnh cũng đến cúng vái và qua được tai ương. Vì vậy mà ngôi Miếu ngày càng được chỉnh trang và thờ cúng trang trọng hơn.

Khoảng năm 1858 dân chúng quanh vùng hợp nhau dựng lên ngôi Chùa bằng tre lá đơn sơ phía sau ngôi Miếu để thờ cúng nhưng vẫn chưa có tên gọi.

Đến khoảng năm 1885 chùa được kiến tạo khang trang hơn và có tên là “Chùa Nhơn An”. Vì hiệu Chùa được viết bằng chữ Hán nên dân chúng không biết và vẫn quen gọi là “Chùa Tứ Sanh”.

Sau đó khoảng năm 1890 ông Võ Văn Tới xây dựng cổng chùa phía trước lộ và gắng bảng hiệu là “Chùa Nhơn An”, từ đó dân chúng mới biết đến tên Chùa như ngày nay. Ngôi chùa lúc này nằm trên phần đất của cha con ông Võ Văn Đạt và ông Võ Thành Chiêu (là ông nội và cha của ông Võ Văn Tới).

Vì ngôi Chùa được dựng từ ngôi Miếu nên các vị cao niên đặt đôi liễn như sau:

“Tiên tạo Tứ Sanh phò bá tánh,

Hậu lập Phật đài cứu quần sanh.”

Đôi liễn này thường được ông Tám Tới viết bằng chữ Hán trên giấy hồng đơn dán vào cột Chánh điện mỗi khi tết đến.

Trong quá trình hình thành và phát triển, có rất nhiều vị chân tu đã đến lưu trú tại chùa Nhơn An để tư tập và hành đạo, chư vị còn biết hốt thuốc trị bệnh vì vậy mà có nhiều người biết đến ngôi Chùa này.

Quá trình trùng tu chùa Nhơn An được biết đến vào các mốc thời gian sau: Khoảng năm 1940 -1950 có bà Hương Sư Đường phụng cúng phần cây cột và ngói để dựng lại ngôi Chánh điện. Bổn hội và dân chúng cùng nhau công quả làm chùa.

Khoảng năm 1956 chùa được một người Hà Lan cúng cây Bô Bô để làm thêm phần hậu Tổ lợp lá. Đến năm 1960 Chánh điện được xây tường xung quanh.

Từ năm 1976 đến 1982 có ông Bùi Văn Tuấn về ở và trông coi hương khói trong chùa. Từ năm 1983 có ông Đạo Tôn tục danh Nguyễn Văn Tôn, pháp danh Thích Quảng Tín (sinh năm 1917) về ở chăm lo Tam bảo. Đến năm 1991 do tuổi cao sức yếu nên ông rời chùa trở về quê nhà an dưỡng.

Năm 1980 hậu Tổ xuống cấp trầm trọng và được bổn đạo làm lại bằng bê tông cốt sắt. Năm 1982 hậu Tổ được xây tường xung quanh do sự hiến cúng vật tư của ông Nguyễn Văn Khuê.

Khoảng năm 1998 có ông Hai Quận tục danh Mai Văn Quận, pháp danh Thích Nhuận Tâm sinh năm 1925 về ở trông coi chùa. Đến năm 2013 thì con ông rước về lại nhà.

Do ngôi Chánh điện lâu ngày rui mè mục gảy nên thầy Thích Nhuận Tâm và bổn đạo cho lợp lại bằng tole trước năm 2000. Sau đó ít năm ngôi hậu Tổ cũng được thay lại bằng tole.

Đến năm 2010, được sự cho phép của các cấp Giáo hội, Sư cô Thích Nữ Hồng Liên về tiếp nhận ngôi chùa và được bổ nhiệm trụ trì vào ngày 05 tháng 11 năm 2012 cho đến nay.

Năm 2013 do mái tole hậu Tổ tiếp tục bị xuống cấp nên Sư cô Thích Nữ Hồng Liên vận động lợp lại bằng lá, đến năm 2018 thì thay lá bằng tole.

Từ khi tiếp nhận ngôi chùa, Sư cô Thích Nữ Hồng Liên đã từng bước tiến hành sang lấp mặt bằng xung quanh, xây nhà ở, nhà bếp, khu vệ sinh, khu thờ Bồ tát Quán Thế Âm, nhà thờ cốt, miếu mới, hàng rào xung quanh, làm đường đan như hiện trạng ngày hôm nay.

Tháng 4 năm 2022, Sư cô Trụ trì khởi công đặt đá xây dựng mới ngôi Chánh điện bằng chất liệu bê tông; mái lợp ngói tây, vách tường, cửa gỗ, nền gạch. Đến cuối năm 2023 công trình đã được xây dựng hoàn thành.

Sư cô Thích Nữ Hồng Liên còn xây dựng đạo tràng tu học dành cho Phật tử. Mở lớp dạy Yoga cho người lớn tuổi rèn luyện sức khỏe, lớp võ thuật cho các em thanh thiếu niên. Sư cô cũng tích cực tham gia các công tác của Giáo hội và xã hội. Với sự tinh tấn tu tập, Sư cô đã được Giáo hội tấn phong lên hàng Giáo phẩm Ni sư trong lần Đại hội Phật giáo toàn quốc năm 2022.

Một số ảnh tư liệu:

Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang

TX.Cai Lậy: Lịch Sử Chùa Đông Phương

TX.Cai Lậy: Lịch Sử Chùa Đông Phương

 -  Thứ 2- 11/11/2024 17:50

Chùa Đông Phương tọa lạc tại 317, Quốc lộ 1A, khu phố 4, phường 5, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Hòa thượng Thích Bửu Chánh đảm nhiệm trụ trì.

TX.Cai Lậy: Lịch Sử Chùa Long Thanh

TX.Cai Lậy: Lịch Sử Chùa Long Thanh

 -  Thứ 2- 11/11/2024 17:39

Chùa Long Thanh tọa lạc tại ấp 7, xã Tân Bình, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Sư cô Thích Nữ Nguyên Trọng đương nhiệm trụ trì.

TX.Cai Lậy: Lịch Sử Tịnh Thất Hạnh Nhơn

TX.Cai Lậy: Lịch Sử Tịnh Thất Hạnh Nhơn

 -  Thứ 2- 11/11/2024 17:12

Tịnh thất Hạnh Nhơn tọa lạc tại ấp 3, xã Tân Bình, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Sư cô Thích Nữ Nhuận Lộc trụ trì.

TX.Cai Lậy: Lịch Sử Chùa Huỳnh Long (Cây Trí)

TX.Cai Lậy: Lịch Sử Chùa Huỳnh Long (Cây Trí)

 -  Thứ 2- 11/11/2024 09:30

Chùa Huỳnh Long (Cây Trí) tọa lạc tại ấp 5, xã Tân Bình, thị xá Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Sư cô Thích Nữ Như Huê đương nhiệm trụ trì.

TX.Cai Lậy: Lịch Sử Chùa Khánh Quới

TX.Cai Lậy: Lịch Sử Chùa Khánh Quới

 -  Thứ 6- 08/11/2024 20:23

Chùa Khánh Quới tọa lạc tại ấp 3, xã Tân Bình, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Đại đức Thích Nhuận Liên đảm nhiệm trụ trì.