H.Châu Thành: Lịch Sử Chùa Thiên Phước
Chùa Thiên Phước tọa lạc tại ấp Tân Xuân, xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Thông báo
LỊCH SỬ CHÙA THIÊN PHƯỚC NI
Thiên Phước Ni tự tọa lạc tại ấp Mỹ Hòa, xã Song Thuận, huyện Châu Thành tỉnh Tiền Giang.
Năm 1969 hai ông bà Dương Văn Các pháp danh Bửu Đức (1921 – 1977) và Phạm Thị Năm pháp danh Diệu Phước (1919 - 2002) đã cất một ngôi chùa nhỏ để tịnh tu. Về sau hai ông bà đều đến xin cầu pháp xuất gia học đạo với Hòa thượng Thích Huệ Từ bấy giờ đang trụ trì và hành đạo tại chùa Nam An (xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành). Hòa thượng đã đặt cho hiệu chùa là Thiên Phước Ni Tự.
Thầy Bửu Đức mất năm 1977. Đến năm 1995 vì thấy sức khỏe già yếu nên cô Diệu Phước đã giao lại ngôi chùa Thiên Phước Ni cho Giáo hội quản lý.
Được sự đề cử của Ban Trị sự Phật giáo huyện Châu Thành, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang đã quyết định bổ nhiệm Sư cô Thích Nữ Diệu Minh, thế danh Dương Thị Cơ, là đệ tử lớn của Hòa thượng Thích Giác Minh trụ trì chùa Sơn Tăng (ấp Long Tường, xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đảm trách Trụ trì điều hành Phật sự cho đến ngày nay.
Từ khi tiếp nhận trụ trì Thiên Phước Ni tự vào ngày mùng 6 tháng 7 âm lịch năm 1996 với diện tích đất là 2.500m2; ngoài việc tinh tấn tịnh tu, Sư cô Thích Nữ Diệu Minh đã từng bước trùng hưng, phát triển đạo tràng ngày thêm ổn định.
Ngôi chùa Thiên Phước Ni thuở ban đầu khi thành lập với kiến trúc tứ trụ, mái lợp tiếp rô xi măng, nền lát gạch tàu, vách tường, phía trước Chánh điện có xây mặt dựng và đắp dòng chữ “Thiên Phước Ni Tự”. Về sau để cho thoáng mát và tiện nghi hơn trong sinh hoạt tu tập, Sư cô Thích Nữ Diệu Minh đã cho đổi lại nền gạch tàu bằng gạch men, nốc mái tiếp rô xi măng được thay bằng tol lạnh, đóng la phong.
Sư cô Trụ trì cũng cho xây dựng Quan Âm các vào năm 2015, cất Trai đường vào năm 2017, dựng lại cổng Chùa, tường rào và các công trình phụ cận khác đủ để phục vụ cho các ngày lễ hội, khóa tu tại chùa; bố trí trồng nhiều hoa kiểng trong khuôn viên chùa rất xanh tươi.
Ngôi Chánh điện chùa Thiên Phước Ni, bệ trên cùng tôn trí ba pho Tam Thế Phật; bậc kế tiếp là Tôn tượng Phật Di Lặc, Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền; hai bên tả hữu tôn trí ban thờ Tây phương Tam Thánh. Phía trước là các ban thờ Hộ Pháp, Tiêu Diện và Quan Thánh. Ngôi Tổ đường phía sau Chánh điện thờ bức tranh Tổ sư Đạt Ma và ban thờ chư vong linh bá tánh.
Với đức độ hòa nhã, khiêm cung, Sư cô Trụ trì đã cảm mến được rất nhiều Phật tử phát tâm quy y theo học Phật pháp. Với tâm nguyện đem Phật pháp phổ hóa chúng sinh, Sư cô Trụ trì đã mở khóa tu Niệm Phật vào ngày 20 âm lịch mỗi tháng để Phật tử hữu duyên vân tập thực hành lời Phật dạy, đồng thời huân tu công đức hồi hướng về lục thân quyến thuộc bình an, thế giới mãi thanh bình, thịnh vượng. Ngoài ra vào các ngày lễ lớn của Phật giáo như Phật Đản, Vu Lan, … Sư cô Trụ trì đều tổ chức rất trang nghiêm, được sự quang lâm chứng minh của chư Tôn đức Giáo phẩm, chư Tăng Ni và đông đảo Phật tử tham dự.
Sư cô Diệu Minh còn thường xuyên hướng dẫn Phật tử tổ chức thực hiện các phong trào đền ơn đáp nghĩa, trao tặng quà đến các hoàn cảnh khó khăn, … góp phần cùng Chính quyền địa phương chung tay xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.
“Thiên niên Phật pháp lưu truyền.
Phước tu lợi ích khắp miền nhân sinh.”
Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang
Chùa Thiên Phước tọa lạc tại ấp Tân Xuân, xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Chùa Thiên Long tọa lạc tại ấp Tân Thuận, xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Đại đức Thích Quảng Lực đương nhiệm trụ trì.
Chùa Đông Phương tọa lạc tại 317, Quốc lộ 1A, khu phố 4, phường 5, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Hòa thượng Thích Bửu Chánh đảm nhiệm trụ trì.
Chùa Long Thanh tọa lạc tại ấp 7, xã Tân Bình, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Sư cô Thích Nữ Nguyên Trọng đương nhiệm trụ trì.
Tịnh thất Hạnh Nhơn tọa lạc tại ấp 3, xã Tân Bình, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Sư cô Thích Nữ Nhuận Lộc trụ trì.