H.Châu Thành: Lịch Sử Chùa Thiên Phước
Chùa Thiên Phước tọa lạc tại ấp Tân Xuân, xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Thông báo
CHÙA KHÁNH LONG
Ấp Rạch Trắc, Xã Mỹ Phước Tây, Thị xã Cai Lậy
Nằm hiền hòa bên dòng sông thơ mộng, chùa Khánh Long tọa lạc tại ấp Rạch Trắc, xã Mỹ Phước Tây, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Đến nay vẫn không xác định được niên đại chùa thành lập khi nào. Chỉ biết ban đầu chùa mới chỉ là cái am nhỏ bên dòng kênh tại vùng đất bưng biền, cùng những người dân quanh năm lam lũ với nghề trồng lúa.
Năm Mậu Thìn (1928), chư Phật tử xã Mỹ Phước Tây đến thỉnh chư tôn đức trong Tông phong Thiên Thai về trụ trì. Lúc bấy giờ, nhận thấy cơ duyên đã đủ, Hòa thượng Thiên Thai (Hòa thượng Huệ Đăng) đã cử Hòa thượng Pháp Tràng – Người thôn Tân Long, nay là xã Tam Bình, huyện Cai Lậy về trụ trì chùa Khánh Long.
HT. Thích Pháp Tràng là một vị Cao Tăng thời cận đại. Với tố chất thông minh, ngay từ nhỏ, Ngài được song thân cho tham học rất nhiều trường thế học thời bấy giờ. Năm 20 tuổi Ngài xin song thân xuất gia tu học tại chùa Khánh Quới, huyện Cai Lậy. Với bản tính hiếu học, siêng tu, Ngài đi tham cầu học giáo pháp rất nhiều nơi. Sau khi thọ cụ túc giới không bao lâu, Ngài đã được mời làm Giáo thọ rất nhiều Đàn Giới.
Năm 1935, với cương vị trụ trì chùa Khánh Long, Hòa thượng Pháp Tràng đã cho xây dựng lại toàn bộ công trình chùa Khánh Long khang trang. Hàng Phật tử khắp nơi, bấy giờ nghe uy danh và đức độ của Ngài nên vâng tập về tu học rất đông.
Đầu thập niên 40, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, để tranh thủ sự ủng hộ của đồng bào, các cán bộ cách mạng đã tìm đến Hòa Thượng và đề nghị Ngài giúp đỡ. Với tinh thần yêu nước, Ngài tình nguyện đi theo cách mạng, tích cực hoạt động và ủng hộ kháng chiến. Cuộc chiến tranh giải phóng đất nước giai đoạn này vô cùng ác liệt, giặc càn phá nhiều nơi, người dân Mỹ Phước Tây phải chạy nạn. Hòa thượng Thích Pháp Tràng cũng tìm lánh nạn về Cần Thơ. Sau đó Ngài tìm về Mỹ Tho tiếp tục hoằng dương Phật pháp và hoạt động cách mạng vùng Sài Gòn Gia Định. Ngài cũng đã cùng với chư Hòa Thượng như: Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Hòa thượng Thích Thiện Hòa, Hòa thượng Thích Thiện Hào, … vận động thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam năm 1981.
Năm 1978, Ngài được mời về trụ trì chùa Phật Ân, TP. Mỹ Tho và viên tịch vào ngày 17 tháng 3 năm 1984. Trụ thế 86 năm. Bảo tháp của Hòa Thượng được hoàn tại Chùa Vĩnh Tràng (Tp.Mỹ Tho).
Do chiến tranh tàn phá và thời gian dài không người chăm sóc, Chùa Khánh Long đã bị xuống cấp. Năm 1991 Hòa thượng Thích Nhuận Thông cùng Phật tử Diệu Đức đã đứng ra trùng tu lại. Hàng Phật tử lúc này quy tụ về tu tập cũng thường xuyên hơn. Hòa thượng Thích Nhuận Thông viên tịch năm 1999.
Sau khi Hòa thượng Thích Nhuận Thông viên tịch, Đại đức Thích Đức Hồng về tiếp tục trông coi chùa Khánh Long, nhưng duyên phần ngắn ngũi, Thầy Đức Hồng mới về được 10 tháng thì bị bệnh duyên và viên tịch. Chùa Khánh Long lại rơi vào tình trạng hoang vắng, không người chăm sóc.
Năm 2000, Cố Thượng tọa Thích Minh Trí trụ trì Tổ đình Phước Lâm huyện Cai Lậy, trong một lần đi thuyết pháp ngang qua chùa Khánh Long, thấy ngôi chùa cổ kính không có người hương khói, Ngài vào đãnh lễ Phật và phát nguyện trùng tu. Khi về, Thượng Tọa đến trình với Ban Trị Sự GHPGVN huyện Cai Lậy, được sự cho phép của BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang và chánh quyền các cấp, Cố Thượng tọa Thích Minh Trí đứng ra nhận lãnh chùa Khánh Long và cử Đại đức Thích Huệ Phương về đảm nhận trụ trì chùa để chăm lo Phật sự và hướng dẫn Phật tử tu tập cho đến ngày nay.
Nhận thấy ngôi chùa không đủ thoáng mát cho Tăng chúng và Phật tử về tu tập; Lại gặp cơn giông bảo năm 2007 kèm theo lũ lớn làm ngôi Chùa chìm sâu trong nước, khiến bị hư hỏng nặng, nên đầu năm 2008, Đại đức Thích Huệ Phương, dưới sự cố vấn của Thượng tọa Thích Minh Trí, đã quyết định đại trùng tu lại ngôi Chánh Điện chùa Khánh Long bằng chất liệu bê tông cốt thép, mái lợp ngói, cửa làm bằng gỗ quý, nền lát gạch men. Công trình được xây dựng và hoàn thành trong vòng một năm, lễ Khánh thành vào ngày 10 tháng giêng năm 2009, đã tạo thêm nhiều phấn khởi cho bà con Phật tử quanh vùng quy kính tu tập.
Sau khi Chánh điện hoàn thành, Đại đức Thích Huệ Phương cũng từng bước tiến hành xây dựng lại các công trình phụ như Tăng xá, Tịnh trù, Tổ đường, …làm nơi sinh hoạt cho Tăng chúng và Phật tử về tham dự khóa tu hằng tháng.
Năm 2007, nhận thấy con em Phật tử quanh vùng không có nơi sinh hoạt lành mạnh, nhất là vào những ngày mùa hè; Đại đức Thích Huệ Phương đã đứng ra thành lập Lớp Giáo lý, dùng lời dạy của đức Phật chỉ cho các em kỷ năng sinh hoạt sống; Và Lớp Luyện võ, tập cho các em biết rèn luyện sức khỏe của tự thân. Các Khóa học bình quân có 200 em. Vào những ngày mùa hè dao động từ 400 đến 500 em tham dự.
Hằng năm, vào ngày 19 tháng 3 âm lịch, Đại Đức trụ trì, chư Tăng và Phật tử đạo tràng chùa Khánh Long đều trang nghiêm tổ chức lễ Húy kỵ Hòa thượng Thích Pháp Tràng và Tưởng niệm chư vị Hòa Thượng tiền bối hữu công tại chùa Khánh Long này.
Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện tỉnh Tiền Giang xin trân trọng giới thiệu ngôi Chùa Khánh Long đến với bạn đọc.
Ghi Chú:
+ Chùa Khánh Long
+ Trụ Trì Hiện Nay: ĐĐ. Thích Huệ Phương
+ Điện Thoại: 0733917023, 0903991897
+ Hệ Phái: Bắc Tông
Sau đây là một số hình ảnh tư liệu của chùa Khánh Long:
Chùa Thiên Phước tọa lạc tại ấp Tân Xuân, xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Chùa Thiên Long tọa lạc tại ấp Tân Thuận, xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Đại đức Thích Quảng Lực đương nhiệm trụ trì.
Chùa Đông Phương tọa lạc tại 317, Quốc lộ 1A, khu phố 4, phường 5, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Hòa thượng Thích Bửu Chánh đảm nhiệm trụ trì.
Chùa Long Thanh tọa lạc tại ấp 7, xã Tân Bình, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Sư cô Thích Nữ Nguyên Trọng đương nhiệm trụ trì.
Tịnh thất Hạnh Nhơn tọa lạc tại ấp 3, xã Tân Bình, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Sư cô Thích Nữ Nhuận Lộc trụ trì.