TX.Gò Công: Lịch Sử Tịnh Xá Ngọc Quang

Phật giáo Tiền Giang - 21/07/2019

LỊCH SỬ TỊNH XÁ NGỌC QUANG

v8_9

Tịnh xá Ngọc Quang tọa lạc số 0928,  đường Nguyễn Thìn, ấp Thuận An, xã Long Thuận, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Ngôi Tịnh xá này có bề dày lịch sử hơn nữa thế kỷ, kể từ khi Đức Tổ Sư dừng chân khai đạo.
1. Tiền thân Tịnh Xá Ngọc Quang:
Năm 1952, Ni trưởng Đức Liên cùng với Ni cô Kỳ Liên vâng lời của Tổ Sư đến vùng đất này hoằng hóa. Trên đường khất thực, Ni Trưởng được cô Nguyễn Thị Sô (sau này quy y với Tổ sư được Ngài đặt pháp danh là Quang Ngọc) mời về nhà nghỉ tạm. Cảm mến hạnh đức người tu trì bình khất thực, bà Tư (thường gọi là bà Tư Thôn) là mẹ cô Quang Ngọc đã hiến cúng cho Ni Trưởng 500m2 đất vườn về hướng Tây Nam (thuộc tỉnh Định Tường – đất Cầu Huyện; nay là Tiệm tiện Kim Nguyên Phát số 149 - Đường Nguyễn Huệ - KP1 – P3 – thị xã Gò Công – tỉnh Tiền Giang) để cất tịnh xá. Nhân chuyến hành đạo đến mãnh đất Gò Công, đức Tổ sư Minh Đăng Quang chính thức chứng minh, thành lập và đặt tên cho ngôi tịnh xá này là Ngọc Hòa.  
Tịnh xá được Tổ Sư chứng minh, bắt đầu xây dựng với những vật liệu thô sơ. Lúc ấy, Đức Thầy Giác Lý còn là cư sĩ, cùng với cô Quang Ngọc đã vận động cư gia bá tánh chung tay góp sức đắp móng nền chánh điện và dựng vài cốc lá cho chư Tăng. Sau một thời gian ngắn, Tịnh xá được hoàn thành.
Từ năm 1952 -1953, tịnh xá Ngọc Hòa trở thành nơi dừng chân cho đoàn Tăng lữ của Giáo hội Khất sĩ. Chư Tăng, Ni luân phiên nhau ba tháng đổi chỗ trụ để thuyết pháp hướng dẫn quần chúng tu học. Ni trưởng Kim Liên, Ni trưởng Ngân Liên, Ni trưởng Thiện Liên… cũng thay nhau về trụ nơi đây để hóa Đạo. Đặc biệt, tịnh xá Ngọc Hòa được đức Tổ sư cùng chư Tăng ghé về thăm ba lần; lúc đó quý Ni trưởng xin ở tạm nhà bá tánh nhường tịnh xá cho Tổ sư giảng pháp. Nhờ đạo lực giáo hóa của Tổ sư, Thiện nam Tín nữ về học đạo ngày càng đông hơn, ngôi Tịnh xá dường như trở nên quá nhỏ. Vì thế, cô Nguyễn Thị Nho (tức Phật tử Tánh Ngọc, chị cô Quang Ngọc) phát tâm cúng dường 10.000m2 đất ruộng cách Tịnh xá Ngọc Hòa 300m về hướng Đông. Đức Tổ sư cũng đã chứng nhận. 
2. Sự hình thành và phát triển: 
Vì hạnh nguyện lợi tha đem Đạo vào đời, đức Tổ sư cùng Tăng đoàn du hành đến nơi khác. Tiếp nối sự nghiệp mở Đạo của Tổ, Đệ nhất Ni trưởng Huỳnh Liên trở về nơi đây cùng với bốn mươi Ni cô và Phật tử chuyền đất đắp nền kiến tạo tịnh xá mới. Từ đó, khuôn viên Ngọc Hòa có phần rộng rãi, thông thoáng hơn chỗ cũ. Tuy nhiên, Tịnh xá lúc này cũng chỉ làm bằng vách ván và mái lợp bằng tôn đơn sơ. Lúc bấy giờ, Tăng đoàn du hành được đức Tổ sư cho phép dừng chân mỗi miền Tịnh xá từ sáu tháng đến một năm rồi đổi chỗ trụ. Tháng 7 năm 1954, Giáo hội Khất sĩ tổ chức Tự tứ lần đầu tiên tại nơi đây, từ khi đức Tổ sư vắng bóng. 
Tịnh xá kiến lập xong vào năm 1955. Trải qua một thời gian, vì yêu cầu Phật sự Đệ nhất Ni trưởng tiếp tục lên đường vân du hành đạo. Tịnh xá Ngọc Hòa vẫn là nơi tiếp đón đoàn Tăng lữ về hoằng hóa. Trưởng lão Giác Chánh cùng chư Tăng … về thuyết pháp, mọi người vui mừng rũ nhau về nghe và xin thọ Tam quy, ngũ giới rất nhiều. 
Năm 1956, Đệ nhất Ni trưởng Huỳnh Liên tiếp nhận Tịnh xá và chỉ đạo quý Ni trưởng luân phiên về giáo hóa lập đạo: Ni trưởng Thanh Liên, Ni trưởng Kim Liên, Ni trưởng Quang Liên, Ni trưởng Thiện Liên… 
Qua bao thăng trầm đổi thay, theo thời gian ngôi Chánh điện bị xuống cấp. Năm 1964, Sư cô Thể Liên về trụ, cùng với Phật tử khởi công trùng tu lại Tịnh xá và đổi tên thành Tịnh xá Ngọc Quang. 
Người tu hạnh khất sĩ, bước chân du hành nay đây mai đó. Vì thế, Tịnh xá Ngọc Quang từ khi thành lập đến nay đã trải qua nhiều thế hệ trụ trì. Tiếp theo Sư cô Thể Liên là Ni sư Quế Liên, Ni sư Phương Liên, Ni trưởng Nhã Liên, Ni trưởng Giới Liên, Ni sư Thiền Liên, Ni sư Tấn Liên…  
Năm 1976, Ni trưởng Tân Liên được Giáo hội cử về trụ trì. Ngày 22/10/1976, kho đạn Nguyễn Viết Thanh cách khoảng 250m từ phía sau Tịnh xá phát nổ. Toàn bộ Tịnh xá bị thiệt hại gần như hoàn toàn, chỉ còn lại tháp thờ Phật. Ni trưởng Tân Liên từng bước xây dựng lại nhưng cũng chỉ bằng cây gỗ thô sơ. Đến năm 1983, Tịnh xá một lần nữa được trùng tu tương đối hoàn chỉnh. Năm 1997, tiếp tục trùng tu cổng Tam quan và xây hàng rào. Năm 2003, xây giảng đường và các công trình phụ khác. Năm 2017, sau hơn 30 năm xây dựng, ngôi chánh điện của tịnh xá đã dần xuống cấp và chật hẹp, không đủ đáp ứng cho nhu cầu tu học của chư Ni và Phật tử hiện tại, Ni trưởng Tân Liên quyết định trùng tu lại, với kiến trúc kiên cố và vật liệu hiện đại, ngôi tịnh xá ngày nay rất trang nghiêm, thoáng mát và xin đẹp. Tịnh xá Ngọc Quang từ khi thành lập và bốn lần trùng tu cho đến nay (2019) vừa tròn 67 năm. 

v7_16

3. Kiến trúc và cách thờ phượng:
Ngôi Tịnh Xá được xây dựng bằng xi măng cốt thép theo mô hình truyền thống của Hệ phái, với cấu trúc mái tứ giác cổ lầu, hai tầng ngói và chánh điện theo hình bát giác. 
Bên trong chánh điện là tháp 13 tầng, tôn trí tượng Đức Bổn Sư trầm mặc uy nghi trong tư thế thiền định, nền tháp ba cấp được cẩn bằng gạch men. Phía sau tháp là nơi tôn trí di ảnh của Tổ sư Minh Đăng Quang. Bên cạnh bàn thờ Tổ sư, từ ngoài nhìn vào về phía phải là bàn thờ Trưởng lão Giác Chánh. Xung quanh chánh điện vẽ những bức tranh minh họa cuộc đời của đức Phật từ đản sanh đến xuất gia, thành đạo và Niết bàn. Bên ngoài chánh điện, phía trái nhìn từ ngoài vào là cốc thờ Giác linh chư Ni trưởng. Kế bên là nhà thờ cửu huyền.

v21_3

4. Tôn trí tượng Phật lộ thiên: 
Từ cổng Tam quan đi vào là con đường tráng xi măng, nép mình bên những khóm hoa giấy xanh tươi được cắt tỉa thành hình rất đẹp. Tượng Phật nhập Niết bàn dài 3m2 được tôn trí hướng Nam giữa hai cây sala rợp bóng, cùng với khoảng sân rộng thoáng đãng là những chậu kiển sắc màu được bày trí thẳng hàng, khoe mình trong  nắng gió đồng quê. Tượng Tam Thánh sừng sửng trang nghiêm có chiều cao 3m được tôn trí hướng Tây, bên cạnh là hòn non bộ có vẽ cổ kính bởi mưa nắng rêu phong. Vị trí của chánh điện chính giữa về hướng Bắc, sau chánh điện là vườn Lâm Tỳ Ni, kế bên là thư viên, nhà khách. Bên trái thư viện là phòng khách Tăng vãng lai và bên phải thư viện là giảng đường nơi giảng kinh thuyết pháp hướng dẫn Phật tử tu học.

v14_7

5. Tu học – Hoằng pháp – Từ thiện:
Tịnh xá Ngọc Quang thuộc Ni giới Hệ phái Khất Sĩ. Ni chúng tất cả 9 vị, đa phần chư Ni đều có trình độ Phật học từ Trung cấp đến Học Viện và Cao Cấp giảng sư. Trình độ thế học đều tốt nghiệp cấp 3 và cũng có vị tốt nghiệp cử nhân Quốc gia. 
Thời khóa tu học của chư Ni. Buổi sáng 3g30 – 4g tụng kinh, 4g – 5g tọa thiền. Buổi trưa cúng ngọ 10g45 – 11g45. Buổi chiều 17g – 18g tọa thiền. Buổi tối 19g – 20g tụng kinh, 20g – 21g tự nghiên cứu kinh sách, 22g chỉ tịnh.
Mỗi tháng vào các ngày mùng 8, 15, 23, 30 Phật tử về thọ Bát quan trai, niệm Phật,  cúng hội và nghe giảng giáo lý. Ngoài ra, chư Ni còn đi hoằng pháp các Đạo tràng tu học ngoài Tỉnh. Bên cạnh đó, Tịnh xá cùng Phật tử còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội như: xóa đói giảm nghèo, mái ấm tình thương, làm cầu nông thôn, cấp học bổng cho học sinh nghèo, phát quà cho đồng bào nghèo vào những dịp lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, tết Nguyên Đán và cứu trợ vùng lũ lụt. 
Tịnh xá Ngọc Quang, nơi mang nhiều dấu ấn Tổ sư cùng chư Tăng hàng Đại đệ tử của Tổ về mở đạo. Nhờ ân đức của Tổ Thầy buổi sơ khai, Tịnh xá ngày một phát triển về cơ sở vật chất cũng như an lac về mặt tâm linh cho Chư Ni và Phật tử tu học, xứng đáng là ngôi Tam bảo tiêu biểu làm chỗ dựa tinh thần cho những ai muốn tìm về chốn bình yên của tâm hồn.

Một số hình ảnh tư liệu:

v20_3v16_8v1_15v2_15v9_9v6_17v10_12v12_11v15_9v17_8v18_6v19_6v22_3v23_1v24_1v25v26v27

 H.Châu Thành: Lịch Sử Chùa Kim Thạch

H.Châu Thành: Lịch Sử Chùa Kim Thạch

 -  Thứ 2- 30/12/2024 05:25

Chùa Kim Thạch tọa lạc tại khu phố Tân Phong, thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Ni sư Thích Nữ Trung Ân đảm nhiệm trụ trì.

H.Châu Thành: Lịch Sử Tịnh Xá Ngọc Hiệp

H.Châu Thành: Lịch Sử Tịnh Xá Ngọc Hiệp

 -  Thứ 6- 27/12/2024 09:51

Tịnh xá Ngọc Hiệp tọa lạc tại khu phố Tân Phong, thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Ni trưởng Thích Nữ Tuyết Liên đương nhiệm trụ trì.

H.Châu Thành: Lịch Sử Chùa Linh Bửu

H.Châu Thành: Lịch Sử Chùa Linh Bửu

 -  Thứ 3- 24/12/2024 14:53

Chùa Linh Bửu tọa lạc tại ấp Tân Lược 2, xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Sư cô Thích Nữ Trung Hải đương nhiệm trụ trì.

H.Châu Thành: Lịch Sử Chùa Long Phước

H.Châu Thành: Lịch Sử Chùa Long Phước

 -  Thứ 2- 23/12/2024 08:38

Chùa Long Phước tọa lạc tại địa chỉ ấp Tân Phú 1, xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Sư cô Thích Nữ Diệu Thọ trông coi.

H.Châu Thành: Lịch Sử Chùa Thiên Phước

H.Châu Thành: Lịch Sử Chùa Thiên Phước

 -  Chủ Nhật- 22/12/2024 07:06

Chùa Thiên Phước tọa lạc tại ấp Tân Xuân, xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.