H.Chợ Gạo: Lịch Sử Chùa Huệ Tường

Phật giáo Tiền Giang - 13/07/2023

LỊCH SỬ CHÙA HUỆ TƯỜNG

Chùa Huệ Tường hiện nay do Ni sư Thích Nữ Lệ Chánh trụ trì, tọa lạc tại ấp Trung Hoà, xã Trung Hoà, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.
Ban sơ chùa Huệ Tường được Lão cư sĩ Nguyễn Văn Giáo, pháp danh Thiện Pháp sáng lập vào năm 1950 trên diện tích đất 1050m2, tọa lạc tại số 91, Đội 4, ấp Trung Hòa, xã Trung Hòa, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.
Thời đó chiến tranh ác liệt nên chùa chỉ là một ngôi tự được xây dựng rất thô sơ bằng tre lá. Năm 1969, Lão cư sĩ Thiện Pháp qua đời, con trai của ông là ông Nguyễn Văn Nguyệt vẫn dưới hình thức là một cư sĩ đã thay cha trông nom và lo hương khói hàng ngày trong chùa.

Đến năm 1987, ông Nguyễn Văn Nguyệt lại qua đời, ngôi chùa từ đó không có người chăm sóc nên trở thành hoang phế, quạnh hiu. Vào năm 1989, có một người tục danh là ông Ba Đạo (Ba Đạo Quỳ) ở Bến Tre đến chùa lễ Phật, nhân thấy ngôi chùa hoang phế nên đã động viên bà con tại địa phương đóng góp chút công của xây tường gạch cho ngôi Chánh điện nhưng cũng rất sơ sài, trống trải…
Năm 1991, bà con địa phương đã gởi đơn kiến nghị đến Ban Đại diện (nay là Ban Trị sự) Phật giáo huyện Chợ Gạo xin bổ nhiệm trụ trì về chùa Huệ Tường để có người quản lý ngôi tự và hướng dẫn tín đồ địa phương tu hành theo chánh pháp.

Ngày 04 tháng 01 năm 1992, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang đã ký quyết định bổ nhiệm Ni sư Thích Nữ Lệ Chánh (Sinh năm 1964) ở chùa Sắc tứ Linh Thứu, huyện Châu Thành về trụ trì chùa cho đến ngày nay.
Khi đảm nhiệm chức vụ trụ trì chùa Huệ Tường, từ một ngôi tự đơn sơ hầu như không có một tiện nghi sinh hoạt nào, Ni sư Lệ Chánh cùng Ni sư Hạnh Liên đã không ngừng kiến thiết các hạng mục công trình như: Ni xá, nhà khách, nhà Trai đường, nhà trù, nhà vệ sinh… Vào năm 2005, Ni sư cùng Ni chúng và Phật tử gần xa đã tổ chức lễ Đặt đá trùng kiến lại ngôi Chánh điện mới, đến năm 2006 thì khánh thành và đưa vào sử dụng.

Các hạng mục trong chùa gồm cổng vào có hàng rào kiên cố, sân chùa có tôn trí đài Quán Thế Âm lộ thiên, chính giữa là Chánh điện, bên trái là Ni xá, nhà vệ sinh và nhà Trù, bên phải là nhà mát và phương thất Trụ trì, phía sau Chánh điện là nhà Trai đường và nhà khách…
Bên trong Chánh điện chỉ trang trí duy nhất một bệ thờ Tam cấp với tranh vẽ đức Phật A Di Đà, cốt tượng đức Phật Thích Ca, hai bên là tượng Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Địa Tạng. Bên dưới nhị cấp thờ Phật Dược Sư và tượng Phật Thích Ca Sơ sinh. Phía dưới nhà Tổ thờ đức Tổ sư Đạt Ma. Hai bên bàn thờ Tổ có bàn thờ hương linh bá tánh Nam, Nữ. Các loại pháp khí như Trống Bát nhã, đại Hồng chung, chuông mõ gia trì … đều có đầy đủ.
Chùa có tủ kinh sách, báo chí Phật giáo dành phục vụ cho Phật tử có nhu cầu mượn xem và có đủ các loại kinh tụng thường nhật với khoảng hơn 500 quyển như: Kinh Nhật tụng, kinh Địa Tạng, kinh Diệu Pháp Liên Hoa, kinh Lương Hoàng Sám, kinh Dược Sư, kinh Mục Liên Sám Pháp, kinh Từ Bi Thủy Sám…

Trong chùa hiện có 03 nhân khẩu: 01 trụ trì, 01 phó trụ trì và 01 Ni cô đạo chúng. Số lượng Phật tử quy y Tam Bảo trên 200 vị. Hàng đêm Phật tử đến thọ trì khoảng 20 đến 25 vị. Những ngày Sóc - Vọng, Phật tử về chùa dự khóa lễ sám hối khoảng 40 đến 50 vị. Chùa có khóa lễ tụng sám pháp vào Chủ nhật hàng tuần với khoảng 30 Phật tử tham dự. Những ngày rằm lớn trong năm số lượng Phật tử đến lễ Phật khoảng trên dưới 200 vị.
Chùa đã được các ngành chức năng giám định, cấp bằng công nhận “Cơ sở thờ tự văn hóa” vào năm 2010 và đã được tái công nhận danh hiệu này hàng năm.
Mỗi kỳ Sóc - Vọng, sau khóa lễ Sám hối, Ni sư Trụ trì có sinh hoạt Phật tử khoảng 30 phút về Giáo lý Phật giáo hoặc chủ trương chính sách của Đảng – Nhà nước đối với Tôn giáo, những thông báo, thông bạch của Giáo hội về các hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 

Năm 2016, được sự tín tâm của Phật tử, Ni sư Trụ trì đã tạo mãi thêm 629.5m2 đất phía trước chùa, nối liền chùa với mặt tiền trục đường lộ liên ấp, nâng diện tích đất chùa lên 2.602,5m2, tạo cảnh thoáng mát cho ngôi chùa như hiện nay.
“Huệ Tường từ thuở ban sơ,
Am tranh tạo dựng huyền cơ tu hành.
Ngày nay bá tánh lòng thành,
Quy y cửa Phật, nương Thầy cùng tu.
Đất lành Thiện Pháp lập am, 
Trải bao tuế nguyệt già lam hình thành.
Lệ Chánh nối chí bình sanh,
Trùng hưng Tam bảo huy hoàng hôm nay.
Nguyện cho đạo Phật mỗi ngày,
Phát huy chánh pháp hộ trì quốc dân.”

Một số ảnh tư liệu:

Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang

 H.Châu Thành: Lịch Sử Chùa Kim Thạch

H.Châu Thành: Lịch Sử Chùa Kim Thạch

 -  Thứ 2- 30/12/2024 05:25

Chùa Kim Thạch tọa lạc tại khu phố Tân Phong, thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Ni sư Thích Nữ Trung Ân đảm nhiệm trụ trì.

H.Châu Thành: Lịch Sử Tịnh Xá Ngọc Hiệp

H.Châu Thành: Lịch Sử Tịnh Xá Ngọc Hiệp

 -  Thứ 6- 27/12/2024 09:51

Tịnh xá Ngọc Hiệp tọa lạc tại khu phố Tân Phong, thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Ni trưởng Thích Nữ Tuyết Liên đương nhiệm trụ trì.

H.Châu Thành: Lịch Sử Chùa Linh Bửu

H.Châu Thành: Lịch Sử Chùa Linh Bửu

 -  Thứ 3- 24/12/2024 14:53

Chùa Linh Bửu tọa lạc tại ấp Tân Lược 2, xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Sư cô Thích Nữ Trung Hải đương nhiệm trụ trì.

H.Châu Thành: Lịch Sử Chùa Long Phước

H.Châu Thành: Lịch Sử Chùa Long Phước

 -  Thứ 2- 23/12/2024 08:38

Chùa Long Phước tọa lạc tại địa chỉ ấp Tân Phú 1, xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Sư cô Thích Nữ Diệu Thọ trông coi.

H.Châu Thành: Lịch Sử Chùa Thiên Phước

H.Châu Thành: Lịch Sử Chùa Thiên Phước

 -  Chủ Nhật- 22/12/2024 07:06

Chùa Thiên Phước tọa lạc tại ấp Tân Xuân, xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.